CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ GIỚI THIỆU XÃ YÊN PHỤ, HUYỆN YÊN PHONG, TỈNH BẮC NINH. MỘT VÙNG ĐẤT ĐỊA LINH NHÂN KIỆT. TIẾNG NÓI CỦA QUẦN CHÚNG NHÂN DÂN, CỦA DÂN, DO DÂN VÀ VÌ DÂN

Trang

5 thg 12, 2009

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH LÀNG YÊN PHỤ

.
Yên Phụ là một làng Việt cổ nằm ở trung tâm lỵ sở của huyện Yên Phong, xứ Kinh Bắc từ hơn hai ngàn năm trước. Theo Yên Phong văn phái bi ký (Bài ký này cho biết tên gọi cổ xưa của Yên Phong là Yên Phú và tên của Yên Phụ xưa là An Khang hay Yên Khang. An hay Yên là hai âm đọc của một chữ Hán (安).
Nghĩa của chữ Phụ theo giải nghĩa của Từ nguyên thì phụ là gò đồi, là rộng lớn (đại lục thì gọi là phụ). Phụ còn có nghĩa là thịnh vượng, tăng trưởng ở trong thành ngữ Dân khang vật thịnh hay Dân khang vật phụ. Yên Phụ nằm giữa miền nước non sơn thuỷ - Tả thanh long hữu bạch hổ.

Một câu đối ở Miếu thần trên núi Đền vừa để tả cảnh vừa ghi vị trí và thế đứng hùng vĩ của làng:


Hoàn nhiễu hảo giang san, hổ phục long bàn chân phổ tác,

Hiên ngang tân đống vũ, huy phi hồng dực tráng quan chiêm
.


Nghĩa là:

Núi sông tươi đẹp, nước biếc non xanh, rồng chầu hổ phục chân cảnh tượng;

Miếu vũ nguy nga vừa tạo dựng, tráng lệ chim bằng sải cánh bay.


Yên Phụ ôm gọn trong lòng mình bảy trái núi với cái tên Thất Diệu sơn thiêng liêng và thần kỳ. Các dòng sông Như Nguyệt, Cà Lồ uốn lượn bao quanh hoà nối với dòng Nhị Hà tại Ngã Ba Xà khoảng cách với trung tâm làng vài ba cây số. Chính tại mảnh đất thiêng liêng “long bàn hổ cứ” này đang chứa đựng bao huyền thoại về nền văn hoá văn minh của các thời đại Hùng Vương, Thục An Dương Vương; dấu ấn về cuộc chiến tranh Hùng - Thục nổ ra vào cuối thời Hùng Duệ Vương, khơi nguồn cảm hứng cho truyền thuyết dân gian về cuộc chiến tranh Sơn Tinh và Thuỷ Tinh. Dẫn tới việc thờ các vị thần mang đậm dấu ấn của thời đại ấy như:

Đức Vua Bà Ma Vương, Cao Sơn Đại Vương và thần Mẫu Bạch Kê với biểu tượng Mẫu nghi, Khuê nghi, Khôn nghi (mẹ của thiên hạ). Các vị thần này là đại biểu cho Sơn Tinh, đại biểu cho tinh thần của bộ tộc Lạc Việt chống lại thế lực của Thuỷ tộc: Thục An Dương Vương, thần Kim Qui (rùa vàng). Hình thành một trào lưu đối kháng giữa Thất Diệu sơn và Cổ Loa trong buổi đầu tạo lập nền thống nhất giữa hai bộ tộc Lạc Việt và Âu Việt thành nhà nước Âu Lạc với các truyền thuyết về Bạch Kê tinh, truyện kể về các nàng tiên hiện lên từ Thất Diệu sơn đi đạp đổ thành Cổ Loa.
Về sau lại chính các nàng tiên hiện lên từ Thất Diệu sơn gánh đất ở đây đắp thành Cổ Loa và gánh nước tại giếng tiên Yên Phụ đổ vào hào quanh thành Ốc trong thời đánh giặc Bắc - đưa tới sự hoà hợp dân tộc tài tình... Đúng là muốn nhìn nhận lịch sử lâu đời của một làng quê còn được minh chứng bằng các hình thức lễ nghi tế tự và sự tích của các vị thần được thờ ở làng.



.

THẦN CAO SƠN:

Thần Cao Sơn gắn liền với truyền thuyết về bộ ba Sơn thần họ Nguyễn: Nguyễn Tùng hay Nguyễn Tuấn có chỗ ghi là Tuấn Đạo (tức Tản Viên Sơn thánh), Nguyễn Hiển (tức Cao Sơn Đại vương) và Nguyễn Sùng (tức Quí Minh Đại vương) quê ở Thần Phù, Ái châu (tức Thanh Hoá ngày nay). Bởi có lòng hiếu thảo và dày công tu luyện được tiên thánh ban cho gậy thần, sách ước, phép lạ để cứu giúp nhân gian. Ba anh em nhà Sơn thần này đã có nhiều công lao giúp vua Hùng Duệ vương trong thời đánh đuổi giặc Thục. Người anh cả Nguyễn Tùng (Tản Viên) được phong đến chức Tổng nguyên suý, Nguyễn Hiển (Cao Sơn) được phong là Tổng chỉ huy cánh quân bên trái, Tả khiên Tướng quân; em út (Quí Minh) Nguyễn Sùng tổng chỉ huy cánh quân bên phải, Hữu khiên tướng quân. Cho nên sau đó, nhà vua phong cho anh em họ làm phúc thần: Nguyễn Tùng là Tản Viên Sơn thánh, em trai thứ là Tả Khiên thần Cao Sơn Đại vương, em út là Hữu Khiên thần Quí Minh Đại vương (vì Nguyễn Sùng vừa là người em thứ ba và là út nên gọi là Quí theo thứ tự mạnh, trọng, quý). Vua lại sai người xây ba ngôi đền thờ trên Tản Lĩnh: Tản Viên ở giữa, Cao Sơn ở bên tả, Quí Minh ở bên hữu mà về sau này người ta còn thấy ba ngôi đền ấy vẫn đứng sừng sững, tứ thời nghi ngút khói hương.
Về thần Cao Sơn, ở nước ta (từ Hà Tĩnh trở ra) chúng tôi sơ bộ thống kê có khoảng chừng trên 300 làng xã phụng thờ. Ở Yên Phụ từ xưa cũng phụng thờ ngài một niềm kính cẩn.
Hình ảnh thần Cao Sơn được ghi chép ở trong các văn bản thành văn ở Yên Phụ mà nay ta thấy:
1. Yên Phụ xã linh từ sự tích: Một bản khắc gỗ vào mùa xuân năm Canh Dần niên hiệu vua Nguyễn Thành Thái thứ hai (1890). Khổ 1,87 x 0,60, 42 hàng chữ Hán, mỗi hàng 15 chữ, chữ khắc chân phương rất rõ ràng, đẹp và dễ đọc. Trong đó có ghi về sự hiển linh lần thứ hai giúp dân Yên Phụ trừ dịch bệnh thuỷ ma quấy nhiễu vào các năm Mậu Thân và Kỷ Dậu (1608 - 1609) niên hiệu Hoằng Định thời vua Lê Kính Tông.
2. Văn tế ghi trong Hương ước của làng: soạn vào năm 1918, 104 trang, chữ Hán và chữ Nôm, khổ 26 x 15cm, 6 hàng chữ x 18 chữ. Nội dung chép về các lễ hội, các bài văn tế thần linh, thành hoàng và các vị tiên hiền, các đạo sắc của triều đình phong cho các vị thần làng của địa phương. Trong đó có mỹ tự của thần Cao Sơn Đại vương như sau: "Khang dân phụ quốc, Hồng dụ phổ hoá, Linh ứng anh nghị, Duệ thông phổ bác, Hoằng đại quang chiếu, Hy mục nghiêm minh, Mẫn đạt diên khánh, Triệu tường tích hà thuỳ hưu, Tuyên hiến tuy lộc, Bật tích tán chính, Hùng tài vĩ lược, Thiện tín mỹ đại, Nhân trí trợ thuận, Bảo quốc hộ dân, Hùng uy tuấn kiệt, Bảo cảnh ngưng hậu. Đương cảnh thành hoàng Đại vương".

ĐỨC VUA BÀ - MA VƯƠNG:

Đức Vua Bà là tên thần hiệu sùng kính mà dân gian vùng Yên Phụ thường tôn xưng. Còn tên thật và sự tích của Vua Bà không mấy người rõ. Duy chỉ thấy sắc phong, mỹ từ được chép trong Hương ước của Tứ Yên: (Yên Phụ, Yên Hậu, Yên Tân, Yên Vĩ) như sau:

"Phương Dung trinh liệt, Nhân hiếu từ thuận đoan trang, Trinh tiết u nhàn, Khoan hoà ý đức, Thuận tắc thận hạnh, Khắc cẩn ôn hoà, Gia huệ cẩn tiết, Hậu đức chí nhân, Phổ tế trinh thục, Tuy lộc diên tường, Thuần nhất huy nhu, Diên phúc long khánh, Túc nghi gia phạm, Hồng từ thục chất, Trinh thuận hiển linh, Huy gia trinh nhất - Ngọc chất nương Hậu phi Phu nhân Đại vương".
Tên thật của thần là Ma Nương (bà họ Ma), hiệu là Cao Sơn thần nữ được Thiên đế giao cho cai quản miền núi rừng Tây Bắc nước Việt, một dải núi rừng sông suối là đất đai của Tổ tiên dòng Ma thị để lại cho bà. Nên bà có hiệu là Ma Vương, hễ ai tới đây kiếm củi đốn gỗ đều phải nộp thuế cho bà. Ba anh em nhà họ Nguyễn: Nguyễn Tùng, Nguyễn Hiển, Nguyễn Sùng khi còn khốn khó, cha mẹ (Nguyễn Cao Khang, Nguyễn Cao Hàng, Đinh Thị Điên Phạm Hương Nương) qua đời, ba anh em phải sống cuộc sống côi cút khó khăn. Ngày ngày lên Linh Sơn đốn củi, nhưng lại không có tiền nộp cho bà Ma Vương. Họ bị la mắng, Tùng công bèn kể lể khúc nhôi gia cảnh với bà. Ma Vương nghe kể động lòng yêu mến. Ma Vương bèn nhận họ làm con nuôi. Ma Vương giao cho người em trai của bà là Lôi Công nuôi dưỡng Hiển công và Sùng công, còn mình nuôi Tùng công. Về sau ba anh em Nguyễn rất hiếu thảo với bà Ma Vương. Nhất là sau khi Tùng công được Thái Bạch Tử Vi thiên tướng ban cho gậy thần và lời chú cùng với sách ước đem từ Thuỷ cung trở về, làm được nhiều việc thiện cứu giúp nhân gian, được họ suy tôn là Thần sư. Lại nói, sau bao ngày tháng chu du thiên hạ cứu giúp nhân gian, Thần sư trở về quê nhà ở động Lăng Sương, ngài đem Sách ước ra niệm thần chú bỗng thấy có hàng dẫy lâu đài điện sảnh hiện ra san sát, lại thêm vạn vật kim ngân, chầu ngọc cũng liền hiện ra. Thần sư thưa với Lão bà Ma Vương: "Trong những ngày tháng ấy con được mẹ yêu thương nuôi dưỡng, công đức của mẹ cao rộng như trời biển, đời này kiếp này, con không biết lấy gì báo đáp, con xin thỉnh cầu mẹ về Lăng Sương để con phụng dưỡng". Lão bà thấy con nuôi dốc lòng nhân nghĩa, hiếu thảo thì mừng thầm. Thế rồi bà lấy tất cả của cải ở sơn lâm giao phó cho Thần sư để lo việc thờ cúng hương đăng muôn thuở về sau. Nhân đó làm một bản di chúc để lưu giữ muôn vạn đời tại miếu đường ở Linh Sơn.

Sau đó Thần sư ký tên vào chúc thư, bái tạ rồi đưa Lão bà về nhà cùng ở đã được hơn một năm, bà Ma Thị lâm bệnh, bèn gọi Thần sư lại dặn dò: "Sau khi Lão bà chết thì vương (Thần sư) xây Thọ đường lưu để làm miếu đường thờ phụng bà". Thần sư lấy đạo hiếu cúi đầu vái lậy nhận di mệnh. Ngày ấy bà Ma Thị qua đời, Thần sư đều lấy lễ để an táng bà, dựng thần từ đặt Thọ đường ở phía bên trái, bốn mùa hương khói phụng thờ đúng lễ nghi, đến nay vẫn còn.

.
.
.
Người đời sau có lời tán rằng:

Cơ đồ gây dựng lớn,

Đế nghiệp mãi trường tồn.

Dằng dặc mười tám hệ,

Trải dài mấy ngàn năm.

Trùng điệp Tản Viên thánh,

Trước mẹ Ma Thị nuôi.

Lão bà lâm bệnh chết

Để cho chúc thư liền.

Lập miếu trên đỉnh núi

Đặt Thọ đường kề bên.

Đạo lý giữ toàn vẹn

Anh hùng vạn đời khen

Giang san nguyên một mối

Diệu kỳ nhà một hiên

Mẹ con đáng yêu lắm

Muôn kiếp vẫn thần tiên
.
Đọc qua đoạn văn chúc thư, ta hiểu rằng Ma Vương thị có mối quan hệ đặc biệt như thế nào với anh em nhà Sơn thần họ Nguyễn. Bởi vậy Ma Vương thị được nhân dân ở nhiều địa phương thờ làm thần làng cùng Tản Viên, Cao Sơn và Quý Minh. Bà Ma Vương không chỉ có nuôi ba anh em nhà họ Nguyễn, mà bà còn là "Bình Nguyên Quân" của rất nhiều nhân vật truyền thuyết khác nữa. Ví như ở làng Thượng Nông, huyện Hưng Hoá, Phú Thọ cũng thờ bà và 5 vị thần khác là con nuôi của bà. Từ đó mà ta biết nguyên do nhân dân Yên Phụ thờ đức Vua Bà Ma Vương là như thế nào rồi.

THẦN MẪU BẠCH KÊ THỜ Ở MIẾU MẪU BẠCH KÊ:

Tương truyền về thời vua Hùng xưa có một nàng công chúa vào loại quốc sắc thiên hương, lại đàn ngọt, múa giỏi, hát hay. Công chúa sống chan hoà với đám thị nữ, thường cùng họ đi chơi các danh lam thắng cảnh trong nước và đến đâu cũng tổ chức ca múa vui vẻ, ngợi ca đất nước thanh bình. Công chúa được vua cha vô cùng yêu dấu. Một hôm, công chúa cùng đoàn thị nữ mang đàn, sáo du ngoạn cảnh đẹp Thất Diệu sơn. Không may, trời nổi cơn phong ba bão táp, công chúa bị cảm mạo qua đời. Tin cấp báo về triều, nhà vua vô cùng thương xót. Nhà vua sai quan về Thất Diệu sơn tra xét, rồi truyền dụ an táng công chúa ở đó, cho dân lập miếu thờ.
Công chúa qua đời khi còn ít tuổi nên rất linh thiêng, lúc biến ra cô hàng nước, khi hoá thành "gà mái trắng" (Bạch Kê tinh) trà trộn trong đám quần tiên hội thánh cứu giúp nhân gian.
Thời Hùng Duệ vương, công chúa nhiều lần hiển hách âm phù quân tướng nhà Hùng dẹp giặc.
Khi quân Thục lấy được nước Lạc Việt xây thành Cổ Loa thì công chúa sai ngàn vạn âm binh phá thành. Sau nhờ thần Kim Qui, vua Thục mới xây xong được thành.
Tới khi Thục An Dương Vương ăn thề tiếp nối, bảo vệ giang sơn nhà Hùng thì ở đây lại có truyền tích: Công chúa cho hàng đàn tiên nữ gánh đất ở Thất Diệu để đắp Loa thành. Các nàng tiên còn gánh nước giếng "Tiên" ở Thất Diệu sơn đổ vào hào quanh thành Cổ Loa làm cho hào thêm sâu, thành càng vững chắc, bao lần Triệu Đà tới đánh mà không sao hạ nổi.
Nhớ ơn âm phù đánh giặc, Thục An Dương ban tặng mỹ tự "Mẫu nghi" (Mẹ của nước), quốc đảo, dân cầu đều rất linh ứng.

Trải qua hơn 2000 năm cho đến nay, nhân dân vùng Thất Diệu Sơn thờ "Mẫu nghi" cùng với "Cao Sơn Đại vương" làm thành hoàng làng, nước đảo dân cầu thảy đều linh nghiệm.
Miếu Bạch Kê tọa lạc trên đồi Yên Phụ, cạnh đường cái quan. Bức Hoành phi khắc 4 chữ "Mẫu nghi thiên hạ" (Mẹ của nước) nhắc nhở mọi người nhớ ơn người phụ nữ thời Hùng Vương gắn với dân với nước.

Hiện còn đôi câu đối thờ:


Mẫu nghi chung cổ chiêm như tại;

Tổ quốc thiên thu hữu sở y
.


Nghĩa là:

Mẹ nước ngàn xưa trông như còn đó;

Non sông muôn thuở có chỗ cậy nhờ
.


Mẫu Bạch Kê tái hiện vào thời Thiệu Long vua Trần Thánh Tông cứu giúp nhân dân xã Đa Mai (Đa Mỗi), tổng Đa Mai, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang chống hạn cứu mùa màng. Theo Bắc Giang tỉnh, Lạng Giang phủ, Đa Mai tổng, Đa Mai xã thần tích: Vào năm Thiệu Long (1258 - 1272) trời giáng thiên tai đại hạn kéo dài mấy tháng, ruộng đồng khô nẻ, lúa má hoa màu cây cỏ đều khô héo; nhà vua phải thân đi cầu đảo khắp nơi sơn xuyên linh tích mất 3 tuần nhật mà trời vẫn cứ nắng chang chang. Tới một hôm, nhà vua đi tới bên sông trang Đa Mỗi (Mai), phủ Lạng Giang, đạo Kinh Bắc thì trời đã tối, vua cho dừng xe nghỉ lại. Đêm ấy, vua nằm mộng gặp thần nhân cưỡi cây gỗ quay tít trên mặt sông rồi tới gần bên vua mà tự xưng: "Ta là quan Thuỷ thần trấn thủ nước Nam" rồi biến mất. Giờ Ngọ hôm sau, vua cho lập đàn cầu đảo, bỗng thấy Mẫu Bạch Kê cưỡi trên khúc gỗ nổi trên mặt sông gần đàn tế mà vua đã gặp trong mộng đêm qua. Vua ra lệnh cho nhân dân địa phương rước cả cây gỗ và Mẫu Bạch Kê về làng lập miếu thờ. Bạch Kê biến mất, còn cây gỗ nổi lên hai chữ lớn "Trấn Quốc". Liền sau đó trời đổ mưa to, nước tràn bờ đầy ruộng, cây cỏ hoa màu hồi sinh.

Tóm lại, Bạch Kê - Mẫu Bạch Kê là điềm lành, là niềm hạnh phúc, chỗ dựa tâm linh của mọi người ở Yên Phụ, ở Đa Mai cũng như gà trắng mà Bồ tát Nguyễn Phúc Xuyên đã gặp ở xã Đại Tráng, huyện Quế Võ thời nào.

Đến nay, vùng đất Yên Phụ vẫn lưu giữ được câu chuyện "cổ tích" "Mẫu Bạch Kê", một câu chuyện cổ tích kể lại lịch sử nước ta thời các vua Hùng, buổi "hồng hoang" của lịch sử dân tộc. Câu chuyện trên là một di tích lịch sử phi vật thể hiếm hoi truyền lại từ xa xưa, đã được các nhà sử học ghi lại trong phần Ngoại kỷ của bộ Đại Việt sử ký toàn thư trong câu chuyện chứa đầy huyền thoại: Thục An Dương vương xây Loa thành.

Một đôi câu đối nói về lòng tín ngưỡng và biết ơn của người dân Yên Phụ đối với ba vị Đại vương thời Hùng:

Chung cổ Tam Linh bằng quyến hựu;

Thiên thu Thất Diệu ngưỡng huân cao
.

Nghĩa là:

Tam Linh vạn thuở là nơi nương tựa,

Thất Diệu ngàn năm ngưỡng mộ khói hương
.

Theo Yên Phụ xã Linh thần sự tích thì ngoài sự tích thần Cao Sơn đã nói ở trên, văn khắc này chép sự tích thánh Tam Giang ngầm giúp Lý Thường Kiệt đánh bại quân xâm lược nhà Tống vào năm 1077 được vua Lý phong cho làm Phúc thần, phối thờ với thần Cao Sơn tại miếu trên núi Đền Yên Phụ.
Thánh Tam Giang tên hiệu của hai vị trung thần họ Trương (Trương Hống, Trương Hát) giúp Triệu Việt Vương (Triệu Quang Phục) đánh giặc Lương lập nhiều chiến công. Tương truyền thân mẫu của hai ông là người làng Vân Mẫu, nằm mộng đến tắm ở bến Nguyệt Giang (Như Nguyệt) bị giao long quấn rồi có mang sinh ra hai ông, khi lớn lên hai anh em đều tài giỏi văn võ song toàn theo Triệu Việt Vương làm tướng đánh đuổi giặc Lương ra khỏi bờ cõi. Triệu Việt Vương lên ngôi vua. Lý Phật Tử âm mưu lật đổ, hai ông đã từng can ngăn Triệu Việt Vương không nên giảng hoà với Lý Phật Tử và gả con gái là Cảo Nương cho Phật Tử. Sau khi Lý Phật Tử chiếm được nước, dụ hai ông ra làm quan. Hai ông trả lời: "Tôi trung không làm quan với kẻ đã giết chủ mình..." rồi lánh về ẩn ở núi Phù Long (có chỗ chép núi Lạn Kha). Hậu Lý Nam Đế cho vời nhiều lần, nhưng hai ông quyết không ra. Vua ra lệnh ai chém được thủ cấp hai người thì thưởng ngàn vàng. Hai ông bèn cùng gia quyến lên thuyền chèo ra giữa dòng sông rồi tự đánh chìm thuyền mà chết. Thi thể ông Cả dạt vào cửa Vũ Bình, ông Hai thì trôi vào sông Nam Bình. Về sau âm hồn hai ông lại phù giúp Ngô Nam Tấn Vương đi dẹp giặc Lý Huy nên được phong là "Tam giang Khước Địch Đại vương" và "Tam giang Uy Địch Đại vương".

Đến thời nhà Hậu Lý vua sai Lý Thường Kiệt đi đánh giặc Tống trên sông Như Nguyệt đã đến đóng đại bản doanh ở đền thờ Cao Sơn trên núi đền Yên Phụ. Lý Thường Kiệt sắm lễ cầu đảo xin thần giúp kế đánh giặc. Đêm ấy Lý Thường Kiệt nằm mộng gặp thần hiện lên bảo rằng: "Tướng quân hãy đến đền Xà mượn quân của Thánh Tam giang, còn ta không có lính tráng, nhưng cũng sẽ giúp Tướng quân". Nghe lời dặn của Cao Sơn, Lý Thường Kiệt sắm lễ tới Đền Xà cầu xin Thánh Tam giang. Tam giang vui vẻ nhận lời và cho mượn quân chia làm hai đạo đi đánh quân Tống: đạo Cờ trắng đánh từ Ngã Ba Xà ngược lên tới Du Đuổm Thái Nguyên, đạo quân Cờ xanh đánh từ Ngã Ba Xà xuôi xuống tận sông Lục Đầu. Thế rồi vào một đêm mưa to gió lớn được quân của Thánh Tam giang ngầm giúp, Lý Thường Kiệt tổ chức đánh úp đồn quân Tống ở Mai Thượng. Từ trên không trung bỗng nghe văng vẳng người đọc vần thơ đanh thép:

Nam quốc sơn hà nam đế cư

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
.


Quả nhiên trận ấy, quân ta vừa đánh thì giặc đã tan. Sau khi thắng trận, Lý Thường Kiệt tâu lên vua Lý về công trạng của Thánh Tam Giang, vua rất tán thưởng và phong cho Thánh Tam Giang làm phúc thần Thượng đẳng phối thờ với các vị Thành hoàng thời thường cổ ở trên tại miếu thần làng Yên Phụ.
Nhà vua còn sai Lý Thường Kiệt cho dân Yên Phụ sửa sang đền miếu tại nơi đóng bản doanh của ông để thờ phụng các vị thần làng các đời và thờ tự ông trăm năm về sau.
Nhà nho đời sau Thoát Hiên - Đặng Minh Khiêm có thơ vịnh Thánh Tam Giang họ Trương rằng:

Sất mã quân vương nhập thuỷ tần;

Đệ huynh nhẫn tác sự thù nhân.

Nguyệt giang thanh dạ cao ngâm hậu;

Nam quốc càn khôn tận tảo trần
.

Nghĩa là:

Ruổi ngựa nhà vua nhảy biển trầm;

Anh em quyết chẳng chịu vong ân.

Nguyệt giang đêm vẳng thơ vừa dứt,

Trời đất nước Nam sạch bụi trần
.


Truyện Thánh Tam Giang thấy có chép ở trong các sách Đại Việt sử ký toàn thư, Việt Điện u linh tập, Hoàng Việt nhất thống địa dư chí, Đại Việt địa chí, Thiên Nam vân lục liệt truyện, Bắc Giang tỉnh Hiệp Hoà huyện Cẩm Bào tổng Cẩm Hoàng xã thần tích
Cũng như các tầng văn hoá của Yên Phụ, các thế hệ thần làng ở đây cũng tiếp kế nhau thành một hệ thống từ các vị thần thuộc thời Hùng Vương - Thục Vương - qua thời Tiền Lý - Triệu Vương, kế tới triều Hậu Lý có Lý Thường Kiệt gồm 6 vị. Yên Phụ - một miền đất có thánh thiêng nhân hiền, có các bậc tiên hiền tiên nho như: danh cao đức trọng Trí sĩ Tô tướng công, Khang Sơn được dân làng thờ phụng muôn đời; lừng danh như Bảng nhãn Nguyễn Chiêu Huấn (đỗ năm 1514), ông đi sứ Bắc hai lần. Ông có cháu nội hiển hách khoa danh (Tiến sĩ Khắc Khoan, đỗ 1598), rồi ông nghè Chu Văn Nghị rất đặc thù. Sau khi ông đỗ Tiến sĩ năm 1837 vì do điều kiện sức khoẻ, ông không ra làm quan ở nhà mở trường dạy học trò. Người theo học ở cửa ông rất đông, trong đó có nhiều người hiển đạt khoa danh: Tiến sĩ Phạm Đình Dương, Phó bảng Ngô Quang Diệu, Giải nguyên Nguyễn Hiệp... Nhưng điều khá đặc biệt đáng nói là ông có đám học trò rất hiếu thảo với thầy. Khi ông ốm đau họ chăm sóc thuốc thang, lúc ông mất học trò cùng nhau tậu ruộng để làm hương hoả tại bản ấp. Đó là nếp thuần phong mĩ tục đáng là bài học của muôn đời.

Yên Phụ quả là miền địa linh nhân kiệt, thần thánh linh thiêng tụ hội. Như đôi câu đối sau đây đã nói rõ về điều đó:

Chính khí viết hạo nhiên: thượng tắc nhật tinh; hạ tắc hà nhạc,

Vi đức kỳ thịnh hĩ; minh nhi lễ nhạc, u nhi quỉ thần
.

Nghĩa là:

Chính khí là khí hạo nhiên, trên là mặt trời, dưới là sông núi.

Đức của thần thịnh vậy, sáng là lễ nhạc, tối là quỷ thần
.

.
Nguồn: Viện nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam.
.
Các tin khác:

Free Counter



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn để lại nhận xét cho bài viết:

THÔNG TIN LIÊN HỆ: (Mời bạn viết nội dung cần liên hệ với chúng tôi rồi bấm vào "Gửi", bạn có thể viết trên "Word" rồi paste(Ctrl V) vào ô "nội dung")
Tên bạn (hoặc nickname): *
Địa chỉ Email : *
Tiêu đề : *
Nội dung :
Mã xác nhận: *
(Để chúng tôi nhận được thư của bạn, những mục đánh dấu sao (*) xin bạn vui lòng điền đầy đủ)
Số người đang xem trang báo này