CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ GIỚI THIỆU XÃ YÊN PHỤ, HUYỆN YÊN PHONG, TỈNH BẮC NINH. MỘT VÙNG ĐẤT ĐỊA LINH NHÂN KIỆT. TIẾNG NÓI CỦA QUẦN CHÚNG NHÂN DÂN, CỦA DÂN, DO DÂN VÀ VÌ DÂN

Trang

4 thg 12, 2009

CHỢ NÚI NGÀY ẤY VÀ BÂY GIỜ



Không còn là “lều tranh mái xiêu” mà chợ Núi bây giờ là trái tim điều hành nhịp sống cho cả một vùng quê đang chuyển mình mạnh mẽ theo hơi thở dồn dập của thị trường.
Chợ Núi thuộc xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, nơi đặt đại bản doanh của Lý Thường Kiệt trong chiến tranh chống Tống cách đây gần hơn 900 năm và với những địa danh Thất Diệu Sơn, Cổ Loa, Sóc Sơn, trung tâm của nước Việt cổ đầy ắp những truyền thuyết và huyền thoại, nơi đây xứng đáng được coi là một vùng đất “Địa Linh”. Đường 286 như một nét kẻ ngang chia huyện Yên Phong thành hai phần khá bằng nhau trên bản đồ, xuất phát từ thành phố Bắc Ninh về đến chợ Chờ, trung tâm huyện lỵ Yên Phong rồi đến chợ Núi, chặng đường chỉ dài chưa đầy 18 km.
Bây giờ quốc lộ 18 chạy song song với đường 286 đã trở thành lối đi chính cho các loại phương tiện hiện đại, nhưng đường 286 vẫn tấp nập suốt ngày đêm. Từ chợ Núi qua cầu Đò Lo là sang đất Sóc Sơn, Đông Anh, nơi có Quốc lộ đi Thái Nguyên, Yên Bái, với vị trí thuận tiện như vậy, từ lâu, chợ Núi đã trở thành một chợ đầu mối cho cả vùng Yên Phong có mối giao lưu buôn bán với nhiều vùng kinh tế khác nhau trong cả nước.
Chợ có từ bao giờ chẳng rõ, nhưng cái tên chợ Núi đã trở nên quen thuộc với những sản vật được trao đổi, mua bán ở đây, đó là những nông sản như gạo, sắn, chè, trâu bò, gà, lợn, nhất là lợn giống. Trên địa bàn huyện Yên Phong, nếu như Phong Khê nổi tiếng với nghề làm giấy Gió, Văn Môn nổi tiếng với nghề đúc nhôm thì Yên Phụ nổi tiếng với nghề đi chợ buôn bán hàng khô. Thời bao cấp ngăn sông cấm chợ là thế, nhưng về chợ Núi vẫn có thể dễ dàng mua được chè, rượu, măng khô, đỗ, lạc. Nông thôn Bắc Ninh làng nào, thôn nào bây giờ chẳng có chợ, cái chợ là bức tranh toàn cảnh về đời sống của mỗi thôn làng, vào chợ thì biết cuộc sống của con người ở đó giầy hay nghèo, việc trao đổi, mua bán ở trong chợ cho biết văn hóa của nơi đó ra sao, từ lời ăn, tiếng nói đến giá cả và chất lượng, sự đa dạng, phong phú của hàng hóa chính là năng suất, trình độ sản xuất, kỹ thuật thâm canh của một xứ sở nông nghiệp.
Chợ Núi nổi tiếng từ xa xưa chính là do nơi đây có nhiều loại gạo ngon như tám xoan, tám thơm, nếp cái hoa vàng được làm ra khá nhiều trên vùng đất Yên Phong mà tập trung chủ yếu ở Yên Phụ. Làm ra những giống lúa gạo ngon là một việc nhưng để tạo thành cái chợ thì vấn đề lại là chuyện khác, đó là khi cái cần cù, chịu khó của nông dân được cộng thêm trí thông minh, năng động của thương nhân, với người dân Yên Phụ thì đó không phải là một phép cộng đơn thuần mà đó là kết hợp hữu cơ của trí sáng tạo trong mỗi người dân, khi trả lời câu hỏi trồng cây gì, nuôi con gì thì chẳng phải đi đâu xa mà cứ ra chợ khắc biết.
Người dân Yên Phụ xưa nay nổi tiếng là chịu khó, lam làm, nhất là làm ruộng, với hơn 350 ha ruộng, từ thời kháng chiến, khi người ta hát bài ca năm tấn thì Yên Phụ đã ca một bài ca 6-7 tấn từ lâu, không chỉ thế, với 2 vụ lúa mỗi năm, 80% được cấy lúa nếp hàng hóa cho năng suất 1,7 tạ/sào, bán theo giá bán vào dịp tết vừa rồi là 6.000 nghìn đồng/kg, Yên Phụ đã ca vang bài ca về những cánh đồng 40 triệu một năm. Nói về chăn nuôi thì Yên Phụ là điểm sáng của tỉnh Hà Bắc trước đây cũng như hiện nay, ở đó có những trại nuôi gà theo hướng công nghiệp với số lượng hàng chục nghìn con, thống kê hiện tại là hơn 20 nghìn con gia cầm nuôi tập trung, điều đáng chú ý đó là qua nhiều đợt dịch cúm gia cầm gây hại ở nhiều nơi nhưng chưa bao giờ về đến được Yên Phụ. Làm ruộng hay chăn nuôi con gì cũng để mang ra chợ bán, lúa gạo không chỉ để ăn mà chủ yếu là phải bán được, bán chậm thì quay sang chế biến thành những sản phẩm khác có giá trị hơn, ở Yên Phụ 20 năm nay khá sôi động với nghề chế biến bún, mì, bánh đa nem từ gạo. Vào dịp tết cả xã có tới hơn 500 hộ gia đình làm bánh đa nem, thường xuyên có khoảng 200 hộ, mỗi hộ một lò bánh chế biến hết 70 kg gạo mỗi ngày tạo việc làm cho khoảng 10 người. Ngoài ra trong xã có khoảng 100 hộ làm mì, bún mỗi ngày tiêu thụ gần trăm tấn gạo. Để đáp ứng cho sản xuất này, trong cả năm thôn đều có các hộ làm nghề xay xát.
Cùng với những nghề kể trên, mới đây trong xã còn có thêm 4 hộ làm nghề xay đỗ bóc vỏ bình quân mỗi ngày bóc vỏ, đóng gói khoảng 3 tấn đỗ xanh. Đỗ xanh bóc vỏ, bánh đa nem, bún, rượu, mỳ từ Yên Phụ tỏa đi khắp bốn phương trời, theo quốc lộ 2 ngược lên Thái Nguyên, Bắc Kạn, Yên Bái, Tuyên Quang hay sang ngay thị trường sôi động của Hà Nội. Dường như ngoài chợ có nhu cầu về một loại hàng hóa nào thì trong các làng quê của Yên Phụ lại có một vài gia đình nghĩ ra những việc làm mới nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Mỗi một nghề mới được xuất phát từ nhu cầu thực tế nên phát triển thuận lợi, tạo việc làm phù hợp với khả năng của người lao động địa phương.
Yên Phụ đúng là đất đa ngành đa nghề, mặc dù đó là những công việc không có gì phức tạp, không có gì nổi bật nhưng cũng ít người biết làm vì thế mà nó trở thành độc đáo, với hàng chục ngành nghề như vậy luôn tạo việc làm và thu nhập cho hàng nghìn lao động là nông dân. Ly nông nhưng không ly hương là câu chuyện không mới nhưng không thoát ly khỏi quê hương nhưng người dân Yên Phụ đã biết mở rộng tầm nhìn ra ngoài lũy tre làng và hơn thế còn cởi bỏ những rào cản tù túng trong cách làm ăn xưa cũ để gắn đời sống kinh tế địa phương với thị trường bắt đầu từ một cái chợ quê, nơi luôn có những gợi mở bất ngờ cho những nghĩ suy toan tính làm giầu.
Chợ Núi bây giờ không còn là cái chợ quê lều tranh mái xiêu mà có tới 250 ki ốt luôn chật cứng hàng hóa, thượng vàng hạ cám cái gì cũng có, từ mớ rau, con cua, cái tép cho đến vải vóc, đồ điện tử và những sản phẩm của xã hội công nghiệp, ông Chủ tịch UBND xã cho biết chợ mới xây cách đây không lâu nhưng hiện nay đã quá chật so với nhu cầu của người dân, xã đã có phương án để xây thêm tầng 2 để tạo điều kiện cho dân làm ăn buôn bán.
Trên thực tế dù có xây thêm mấy tầng nữa thì cái chợ bây giờ cũng không bao giờ thỏa mãn nhu cầu của người dân vì không chỉ có những người vào chợ ngồi mới làm nghề kinh doanh buôn bán mà hầu như mọi người dân Yên Phụ đều đang hoạt động một cách tích cực trong thương trường. Hàng chục tấn thịt lợn, gà công nghiệp mổ ra mỗi ngày không chỉ để bày bán trong chợ mà là để phân loại cung cấp cho thị trường Hà Nội và nhiều nơi khác. Hàng ngày từ sáng sớm, các loại xe tải chở mì, bánh đa nem, rượu, gạo, đỗ xanh, thịt lợn, thịt gà đi các nơi, buổi tối lại tấp nập trở về với những hoa trái từ miền Nam, hàng hóa từ biên giới phía Bắc sau đó được giao buôn cho những người bán lẻ trong vùng.
Nhịp sống ở Yên Phụ thật là sôi động, dù muốn hay không thì cũng phải nói rằng nhịp sống đó được khởi động cũng từ cái chợ, Chợ Núi bây giờ không chỉ tồn tại trong một không gian giới hạn mà nó đã lan tỏa vào cả một vùng quê đang dồn dập hơi thở của nhịp sống thị trường.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn để lại nhận xét cho bài viết:

THÔNG TIN LIÊN HỆ: (Mời bạn viết nội dung cần liên hệ với chúng tôi rồi bấm vào "Gửi", bạn có thể viết trên "Word" rồi paste(Ctrl V) vào ô "nội dung")
Tên bạn (hoặc nickname): *
Địa chỉ Email : *
Tiêu đề : *
Nội dung :
Mã xác nhận: *
(Để chúng tôi nhận được thư của bạn, những mục đánh dấu sao (*) xin bạn vui lòng điền đầy đủ)
Số người đang xem trang báo này