.
Bánh tẻ là món ăn đặc sản của người dân làng Chờ (Yên Phong, Bắc Ninh). Tuy nhiên vẫn còn ít người được biết đến và thưởng thức món ăn này do bánh tẻ hiện nay vẫn chỉ được làm ra phục vụ nhu cầu ăn sáng tại chỗ.
"Ba làng Mịn, chín làng Chờ", Tổng Chờ trước Cách mạng tháng 8-1945 gồm cả xã Trung Nghĩa và thị trấn Chờ (huyện Yên Phong, Bắc Ninh) hôm nay. Bánh tẻ Chờ có tự khi nào khó ai xác định, chỉ biết rằng cứ dịp lễ Tết, hiếu hỉ là thấy trên bàn thờ mọi nhà bày món ăn đặc biệt ấy. Theo các bô lão địa phương thì ngon nhất vẫn là bánh Ngô Nội, Phù Lưu, Tiên Trà (Trung Nghĩa bây giờ). Món ăn dân dã ấy là niềm tự hào chung của dân Tổng Chờ. Chả thế mà mỗi khi có khách đến, con gái Tổng Chờ thường phô nét đảm đang của mình qua chiếc bánh tẻ.
Biết tôi thường qua lại Yên Phong, ông bạn mỗi khi sang chơi cứ nhắc: "Về thị trấn Chờ, anh cố mua hộ tôi chục bánh tẻ nhé!". Đinh ninh lời hứa nhưng đã mấy lần về Yên Phong mà tôi vẫn chưa thực hiện được yêu cầu nho nhỏ ấy của bạn.
Lân la tìm hiểu qua một số bạn bè trong huyện thì được biết, sớm nào chợ Chờ cũng có vài ba người bán bánh tẻ, mỗi thúng khoảng vài chục chiếc chỉ đáp ứng tại chỗ nhu cầu ăn sáng của bà con. Khi mặt trời hé rạng, bánh đã hết veo. Bởi người sản xuất bánh làm ăn cò con, chưa biết chào mời tiếp thị và chỉ lo ế thì cụt vào gốc.
Nếu muốn có bánh dùng trong cỗ lễ, hội nghị hay làm quà biếu lại phải tìm vào tận nhà người sản xuất đặt trước đó ít ngày. Đến những nơi đó nay cũng chỉ còn vài hộ sống chết với nghề. Ví như gia đình ông Phạm Công Long, đã sáu đời làm bánh, hiện tại sản phẩm tự tay bố con ông làm ra được tiêu thụ không chỉ thị trường trong huyện, tỉnh mà còn lan rộng ra các địa bàn lân cận ngoài tỉnh.
Hằng năm vào các tháng giêng, hai, khi rộ mùa lễ hội, bánh làm ra không đủ cho đặt hàng. Ông Long tâm sự, làm bánh tẻ tuy chỉ lấy công làm lãi song gia đình ông chưa bao giờ có ý định quay lưng lại với nghề truyền thống. Giải thích về chất lượng số một của bánh tẻ Ngô Nội, ông khăng khăng khẳng định ấy là do "hợp đất hợp nước".
Tôi chợt nhớ đến những món ăn đặc sản khác của Bắc Ninh như: nem chạo Bùi, Ninh Xá (Thuận Thành); bánh phu thê Đình Bảng (Từ Sơn) những sản phẩm mà tiếng tăm của nó không dừng ở tỉnh mà đã lan rộng đến thị trường Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác trong cả nước.
Những sản phẩm ấy đã tạo thêm sắc màu văn hóa ẩm thực của riêng vùng quê Quan họ. Nem chạo, bánh phu thê khẳng định danh tiếng bởi những người nông dân tài khéo và nhanh nhạy ấy biết liên kết với nhau trong làm ăn. Họ biết vượt lên tư tưởng cò con để sản xuất hàng hóa, dám chấp nhận sự thua thiệt bước đầu trong tiếp thị kinh doanh. Để rồi tạo cho các thượng đế phải "nghiện" một cách lành mạnh những sản phẩm của mình.
Vậy làm gì để bánh tẻ làng Chờ, cũng như một số nghề truyền thống khác ở Yên Phong (Bắc Ninh) không còn tẻ nhạt mà sớm lên ngôi? Trước hết người nông dân, cụ thể là người Trung Nghĩa bây giờ phải biết tự đổi mới tư duy kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, dám mạnh dạn mở mang tiếp thị sản phẩm của mình với thị xã tỉnh lỵ, các huyện bạn, dần lan rộng đến thủ đô và xa hơn nữa...
Làm cho bánh tẻ Chờ không đơn thuần là món ăn sáng mà sẽ trở thành thứ khoái khẩu không thể thiếu đối với "thượng đế" trong các nhà hàng khách sạn. Sản phẩm truyền thống ấy sẽ trường tồn trong lịch sử một khi nó trở thành "sản phẩm vùng" ví như bánh đậu xanh Hải Dương; bánh cu đơ Nghệ Tĩnh; bánh cáy Thái Bình.
Như vậy, không chỉ bản thân người nông dân mà vai trò "bà đỡ" của các cấp chính quyền địa phương cũng hết sức quan trọng giúp hồi sinh mở mang nghề truyền thống, góp phần làm cho vùng đất cổ Yên Phong "địa linh nhân kiệt" ngày càng phồn thịnh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Mời bạn để lại nhận xét cho bài viết: