Lần
thứ 4 trong vòng 7 tháng, đối tượng Nguyễn Thanh Thúy (tức cậu Thủy, thôn Trác Bút, thị trấn Chờ, huyện Yên Phong – Bắc Ninh) cùng Ngân hàng Chính sách xã hội (NH CSXH) tổ chức đợt quy
tập hài cốt liệt sĩ (HCLS). Bộ Chỉ huy Quân sự (BCHQS) tỉnh Quảng Trị phản đối
quyết liệt vì họ khẳng định hiện trường đã bị làm giả.
Hiện trường "đã được chuẩn
bị"
Ngày 25.7, thôn Lâm Xuân, xã Gio Mai
(H.Gio Linh, Quảng Trị) náo nhiệt lạ thường vì đoàn người mặc áo thun xanh
lá cây, mang logo NH CSXH, và đối tượng Nguyễn Thanh Thúy tiến hành tìm kiếm,
quy tập HCLS tại đây.
Chuyện tìm mộ của đoàn người này
cũng khá... ly kỳ. Sau khi làm lễ, tên Thúy trao nhang cho một người phụ nữ mặc
áo xanh của NH CSXH. Cùng lúc đó, hai người đàn ông, cũng của ngân hàng dìu
người phụ nữ này (cho là đã được vong nhập), đi tìm mộ.
Đến một nơi, Thúy phán đây là mộ
phần của các liệt sĩ Tạ Văn Tín, Hoàng Văn Thành và Nguyễn Như
Hổ. Tên Thúy và Tổng giám đốc NH CSXH Dương Quyết Thắng yêu cầu phải cho
"quân" của mình (là vợ Thúy và nhân viên của NH CSXH tự tay tiến hành
đào bới, cất bốc hài cốt liệt sỹ).
Do đã được báo trước về các nghi vấn
từ 3 vụ “quy tập” tương tự tại Đắk Lắk và Bình Phước, BCHQS tỉnh Quảng Trị đã
bảo vệ hiện trường và thực hiện đào bới bằng tay để đối chứng, với sự chứng
kiến của NH CSXH, Sở Lao động - Thương binh - Xã hội Quảng Trị, cùng thân nhân
liệt sĩ và người dân địa phương.
Hàng loạt dấu hiệu làm giả hiện
trường đã được phơi bày.
Cụ thể, đất ở đây đã được đào bới từ
trước nên tơi xốp, đào bằng tay được hơn 1 m trong khi dân quân đào đối chứng ở
ba miệng hố xung quanh chỉ được tối đa khoảng 20 cm.
Các rễ cây dưới đất đều bị chặt chưa
lâu. Tại nơi phát hiện “hài cốt” vẫn xuất hiện lá tràm xanh tươi.
Trước quá nhiều điều bất thường như
vậy, đại tá Trần Minh Thanh, Chính ủy BCHQS tỉnh Quảng Trị, đã phải kết luận
ngay với người của NH CSXH tại đó rằng: “Một
việc làm nếu chúng ta không làm hết trách nhiệm của mình thì chúng ta có tội
với người đã mất. Hôm nay có các anh giám sát hiện trường để xem xét. Có thể
kết luận rằng những nơi mà có hài cốt, có di vật gì đó, là những nơi đã được
chuẩn bị và đào sẵn”.
Đến tối cùng ngày, BCHQS tỉnh, huyện
và chính quyền xã Gio Mai kết luận số hài cốt tìm được không đủ cơ sở
để xác định là HCLS, vì thế các cơ quan này không tham gia tiếp tục khai quật.
Các nhân viên NH Chính sách xã hội (mặc áo xanh) đang làm trò, kè người "nhập vong" để tìm kiếm HCLS tại Quảng Trị ngày 25.7
Đại tá Trần Minh Thanh (giữa, người mặc quân
phục, khoanh tay), Chính ủy BCHQS tỉnh Quảng Trị, giám sát cuộc tìm kiếm
quy tập và khẳng định đây là một vụ dàn dựng hiện trường
Lá cây phát hiện chung với số hài cốt vẫn còn xanh tươi Các rễ cây đã bị chặt đứt... từ trước |
Chưa khai quật đã xác định tên liệt
sĩ!
Đối tượng Nguyễn Thanh Thúy và các
nhân viên NH CSXH lại tiếp tục sử dụng cuốc xẻng để mở rộng các vị trí quy tập,
phân chia những mẩu xương bốc lên ra 9 tiểu sành nhỏ và đưa
về sân vận động xã Gio Mai làm lễ.
Mặc dù không có biên bản bàn giao
của BCHQS tỉnh Quảng Trị, nhưng đến sáng 26.7, NH CSXH vẫn đưa 9 tiểu sành vào
Nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) quốc gia Đường 9 để làm lễ truy điệu chớp nhoáng. Do BCHQS tỉnh Quảng Trị không đồng ý đây
là HCLS nên 9 tiểu sành được chôn tạm xuống ven lối đi trong NTLS đường 9.
Ngày 1.8, đại diện NH CSXH Việt Nam
đã xin gặp BCHQS tỉnh Quảng Trị để trần tình và đề nghị công nhận HCLS cho các
hài cốt vừa tìm được. Đáng chú ý là trong cuộc gặp gỡ này, NH CSXH còn mời cả
thân nhân của 2 trong số 3 gia đình liệt sĩ được cho là đã tìm thấy trong cuộc
quy tập.
Buổi tìm kiếm HCLS dù bị BCHQS tỉnh Quảng Trị phản đối nhưng các nhân viên trong đồng phục áo xanh của NH CSXH vẫn tự mình đào bới quy tập hài cốt cho là liệt sĩ |
Có một chuyện lạ lùng nữa là khi
chưa tiến hành khai quật, NH CSXH đã biết trước là sẽ tìm kiếm được bao nhiêu
hài cốt và của LS nào. Trong công văn gửi UBND tỉnh Quảng Trị ngày 15.7, NH này
nêu rõ: Theo chương trình “Tìm kiếm quy tập HCLS” trong 2 ngày (25 và 26.7), NH
CSXH Việt Nam phối hợp với nhà tâm linh, ngoại cảm xác định và tổ chức cất
bốc hài cốt 9 liệt sĩ, trong đó có 3 liệt sĩ Tạ Văn Tín, Nguyễn Như Hổ và Hoàng
Văn Thành…
Trong cuộc trần tình với BCHQS tỉnh
Quảng Trị, ông Đoàn Văn Khải, Chủ tịch Công đoàn NH CSXH, cho biết đây không
phải là lần đầu tiên NH tham gia tìm kiếm, cất bốc và quy tập HCLS. Ông
Khải khẳng định đã “tìm được 115 HCLS rồi, ở các nơi khác. Chúng
tôi nói là các tỉnh đều xác nhận chứ không riêng Quảng Trị”.
Trước tình hình này, BCHQS tỉnh
Quảng Trị đã yêu cầu làm xét nghiệm ADN đối với 3 gia đình liệt sĩ có tên, và
giám định di vật, cụ thể là 3 bi đông khắc tên.
Ngày 4.8, Viện Pháp y quân đội vào
lấy mẫu 9 tiểu sành. Thượng tá Nguyễn Lê Cát, Chủ nhiệm Khoa xét nghiệm, cho
biết có 3 loại xương trong mỗi tiểu sành: hài cốt không bị tác động, hài cốt bị
tác động (tức là các mảnh vỡ của xương còn mới - PV) và loại hài cốt thứ
ba chính là xương động vật.
Ngày 16.8, Viện Pháp y quân đội có
văn bản gửi Cục Người có công (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết kết quả giám định bước đầu
trong đó khẳng định có một số xương nhỏ nghi ngờ là xương động vật và đề nghị
cho ý kiến về việc giám định ADN.
Trong khi đó, kết luận của Phòng
khoa học hình sự Công an tỉnh Quảng Trị ngày 20.8 cho biết số di vật (các bi
đông tìm được) có nét chữ khắc còn mới trong khi bề mặt kim loại sáng hơn,
bờ mép sắc gọn và mức độ oxy hóa ít hơn so với sự oxy hóa trong điều kiện tự
nhiên của toàn bộ bề mặt các bi đông.
Cho đến thời điểm này, quan điểm của
BCHQS tỉnh Quảng Trị vẫn trước sau như một, khẳng định chắc chắn số hài cốt được
“tìm thấy” hồi tháng 7 năm nay không phải là hài cốt của các anh hùng liệt sĩ
bởi những căn cứ xác thực kể trên. Ngoài ra, những lý do khác như "tại sao
mũ cối nằm dưới đất 43 năm mà vẫn còn?" cũng được BCHQS tỉnh Quảng Trị đưa
ra.
Ngay cả người dân thôn Lâm Xuân hay
cấp ủy, chính quyền xã Gio Mai cũng cùng quan điểm trên, vì địa hình gò cát Lâm
Xuân chỉ mới được bồi trong vòng một chục năm nay. Thời chiến
tranh, tại vị trí khai quật, không diễn ra chiến sự và không có mặt Sư đoàn
320, đơn vị của 2 trong số 3 liệt sĩ được nêu tên.
Theo điều tra của chúng tôi, đây
không phải là lần đầu tiên các cuộc tìm kiếm, quy tập HCLS của “cậu Thủy” kết
hợp với NH CSXH Việt Nam gặp phản ứng gay gắt từ các sở, ban ngành địa phương.
Vậy nhà tâm linh Nguyễn Thanh Thúy,
tức “cậu Thủy”, là ai? NH CSXH vì sao lại nhiệt tâm đến thế trong việc
cùng nhà tâm linh này tìm kiếm, quy tập HCLS?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Mời bạn để lại nhận xét cho bài viết: