Theo điều tra của cơ quan chức năng
tỉnh Quảng Trị, trong kịch bản các cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ của “nhà ngoại
cảm” Nguyễn Thanh Thủy (trú tại thôn Trác Bút, thị trấn Chờ, Yên Phong, Bắc
Ninh) không thể thiếu một nhân vật nữ đã đứng tuổi.
Theo
kịch bản mà tên Thủy đề ra thì người phụ nữ này luôn được “vong liệt sĩ nhập
vào”, đưa ra những thông tin liên quan tới người nhà liệt sĩ để tạo dựng sự tin
tưởng cho thân nhân, gia đình. Trong cuộc tìm kiếm hài cốt tại huyện Gio Linh -
Quảng Trị vào tối ngày 25/7, người phụ nữ này cũng được Thủy “cho vong liệt sĩ
nhập vào”, rồi chạy đi đánh dấu vị trí của 3 hố chôn liệt sĩ tại xã Gio Mai.
Người
phụ nữ ấy là ả Phạm Thị Hòa, 54 tuổi, trú tại thôn Tư Lễ, xã Kim Đường (Ứng
Hòa, Hà Nội), trước đây cũng đã từng nhờ tên Thủy đi tìm mộ anh trai mình, cũng
là liệt sĩ hi sinh ở chiến trường...
Kịch
bản hoàn hảo lừa gạt thân nhân gia đình liệt sĩ
Vào
đầu năm 2013, “nhà ngoại cảm” đểu Nguyễn Thanh Thủy đã lên kế hoạch đi tìm mộ
liệt sĩ tại phường Hưng Chiến, thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước, trước đây là
cửa ngõ chiến trường ác liệt của quân giải phóng trước khi hành quân tiến về
Sài Gòn. Trong chuyến đi này, bà Phạm Thị Hòa - em gái của liệt sĩ Phạm Công
Thành (ở thôn Tư Lễ, xã Kim Đường, Ứng Hòa - Hà Nội) cùng tham gia đoàn tìm mộ
do tên Thủy hướng dẫn.
Theo
thông tin mà gia đình cung cấp, liệt sĩ Thành nhập ngũ năm 1965. Năm 1970, gia
đình nhận được giấy báo tử với thông tin chỉ vỏn vẹn như sau: Liệt sĩ Thành hy
sinh tại chiến trường miền Nam. Mặc dù gia đình đã dựa vào thông tin của những
đồng đội cùng với các tư liệu mà các cơ quan chức năng cung cấp liên quan đến
liệt sĩ Phạm Công Thành để tổ chức các cuộc tìm kiếm nhưng chưa có kết quả.
Bỗng
dưng, vào khoảng thời gian cuối năm 2012, đầu năm 2013, người chị của liệt sĩ
Thành là bà Phạm Thị Hòa, 54 tuổi, đã lên đường cùng với người bạn là tên
Nguyễn Thanh Thủy (trú tại thị trấn Chờ, Yên Phong, Bắc Ninh) vào trong Bình
Dương tìm hài cốt người anh trai của mình trước sự bất ngờ của nhiều người thân
trong gia đình.
Quay
trở lại cuộc tìm kiếm hài cốt người anh trai của mình mà bà Hòa đã nhờ tới tên
Nguyễn Thanh Thủy, khi vừa đặt chân đến nơi tìm hài cốt, sau một vài phút đi
thực địa, tên Thủy phán ngay rằng, có 3 hố chôn tập thể các liệt sĩ nằm sát
nhau trong bán kính 70m.
Phạm Thị Hòa
Giữa
một vùng đất hoang vu, không khí có phần tĩnh mịch, u ám, trong làn khói hương
nghi ngút, trước bàn hương án, người đàn ông tự nhận mình có khả năng ngoại cảm
này bắt đầu khấn nguyện. Sau lưng tên Thủy, đại diện thân nhân 3 liệt sĩ được
tìm kiếm cũng quỳ xuống nền đất, chắp tay khấn vái. Những người đi trong đoàn
thì đứng xung quanh hương án chăm chú theo dõi.
Sau
đó, người đàn ông này đưa cho mỗi người trong đoàn một nén hương và dặn đi tỏa
dần ra và chỉ được đi trong vòng bán kính 70m. Rồi Thủy nói như biết trước được
điều gì sẽ xảy ra: “Ai thấy trong người có biểu hiện khác lạ thì dừng lại, vẫn
giữ nén hương trên tay, lúc này mọi người trong đoàn sẽ biết vong đã nhập vào”.
Độ
chừng 10 phút, người phụ nữ tên Phạm Thị Hòa - em gái liệt sĩ Phạm Công Thành
thấy trong người “có điều khác lạ”. Bỗng dưng bà này nói giọng đanh lại, khàn
khàn như giọng đàn ông: “Anh bị bắn trúng ở ngực và đầu, đau lắm, giờ chỉ còn
bi-đông thôi, tấm ảnh của anh bị mất rồi. Chỗ anh nằm còn có nhiều người khác
nữa, nhiều lắm. Anh nhớ cha mẹ lắm em ơi”.
Trước
cảnh tượng đó, “nhà ngoại cảm” Nguyễn Thanh Thủy vẫn tỏ ra bình tĩnh, nét mặt
không đổi. Sau khi để người “đồng nghiệp” của mình giở hết các “chiêu” lấy lòng
thân nhân liệt sĩ, tên Thủy mới tiếp tục thực hiện “kịch bản tìm mộ” đã đề ra.
Ông ta cầm nén hương khấn vái rồi chấm hương lên trán người được “vong nhập”
thì người này trở lại trạng thái bình thường.
Thời
điểm này, Thủy mới cho khai quật 3 địa điểm được xác định là những hố chôn tập
thể các liệt sĩ. Theo lời Thủy thì tại 3 điểm này có tới 15 liệt sĩ đang nằm
phía dưới. “Đó là thông điệp tôi tiếp thu được từ các vong hồn”, “nhà ngoại
cảm” dõng dạc tuyên bố rồi cho đào bới điểm xác định.
Diện
tích mỗi điểm được khoanh lại rộng chừng 4m2, tên Thủy chỉ cho những người khai
quật đào đúng 30cm thì dừng lại, sau đó sẽ dùng xẻng nhỏ để đào chậm lại. Theo
tên Thủy thì các liệt sĩ chỉ đang nằm ở độ sâu cách mặt đất chừng 40cm.
Sau
những lớp đất đỏ cứng được đào lên, đến đúng 30cm, những nhát cuốc bắt đầu đào
chậm lại. Sau gần 1 giờ đào bới, chiếc bi-đông đầu tiên lộ ra. Cứ thế, đến hố
thứ 2 rồi hố thứ 3, họ phát hiện thêm nhiều bi-đông hoen gỉ, dép, cúc áo, huy
hiệu cùng nhiều di vật khác... mà không thấy bất kỳ một biểu hiện nào khác liên
quan tới hài cốt của các liệt sĩ.
Lúc
này, bất ngờ bà Hòa khóc lớn, rồi reo ầm lên khi đưa cho mọi người xem chiếc
bi-đông có dòng chữ như mới được khắc: “Phạm Công Thành-H.Tây-Nhớ mẹ”. Lúc này,
tên Thủy ngồi phân ra từng “cục đất” và cho rằng đó là hài cốt của 15 liệt sĩ
đã hy sinh trong cuộc chiến đấu oanh liệt của dân tộc mà không có bất kỳ bằng
chứng nào để chứng tỏ việc mình đang làm là đúng.
Với
sự phân vai, phối hợp cùng đồng nghiệp, trong cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ vào
đầu năm 2013 tại phường Hưng Chiến, thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước, tên Thủy
đã lừa gạt được thân nhân 15 gia đình liệt sĩ. Nói về việc tìm hài cốt của
người con trai mình, cụ Phạm Thị Kích, 80 tuổi, mẹ bà Hòa (trú tại Ứng Hòa - Hà
Nội) chỉ lên bức di ảnh người con trai trên bàn thờ nhà mình nói: “Con trai tôi
đi chiến đấu ngoài chiến trường để bảo vệ Tổ quốc hy sinh đã lâu, chính quyền
cùng với gia đình đã tổ chức nhiều cuộc tìm kiếm dựa trên những chứng cứ khoa
học nhưng không có kết quả.
Bỗng
dưng vào đầu năm 2013, cái Hòa nó đưa ở đâu về một chiếc bình toong đựng nước
đã gỉ sét, cùng với vài chiếc cúc áo và một số mẫu vật, bảo rằng hài cốt của
thằng Thành chỉ còn lại có thế. Rồi nó bảo gia đình báo với chính quyền để làm
lễ long trọng đón hài cốt liệt sĩ do gia đình tự tìm được.
Hiện
tại, hài cốt của thằng Thành ở nghĩa trang liệt sĩ chỉ là tượng trưng chứ chẳng
còn gì. Sau khi thấy có nhiều điểm không được sáng tỏ trong việc tìm hài cốt
thằng Thành, nhiều người có đến khuyên tôi nên đi kiểm tra xem thực hư thế nào,
nhưng sợ làm cái Hòa nó phật ý nên tôi chẳng đem đi mà bây giờ chỉ giữ lại cái
bình toong đã gỉ sét mà cái Hòa tìm được để thờ tự”.
“Bà
Hòa là nhà ngoại cảm khiến chúng tôi bất ngờ”
Bỏ
qua chi tiết ngỡ ngàng khi người con gái cầm về chiếc bi-đông đựng nước hoen gỉ
cùng vài cái cúc áo... và nói đó là của anh trai mình, cụ Kích chia sẻ tiếp:
“Cái Hòa là người con thứ 2 trong gia đình có 4 anh chị em. Từ bé đến lớn, nó
là người bình thường, được tôi cho ăn học như những đứa trẻ khác trong làng,
chẳng thấy nó có biểu hiện gì đặc biệt.
Lớn
lên, dựng vợ gả chồng rồi nó đi làm công nhân ở nhà máy Sông Đà. Hơn chục năm
trước thì nó trải qua thời kỳ ốm liên miên hơn 1 tháng, có lúc tưởng như “thập
tử nhất sinh”... Từ dạo ấy, nó tự nhận mình có khả năng nói chuyện với người
âm, đi tìm mộ liệt sĩ ở các tỉnh trong miền Nam. Tuy nghe nó nói thế nhưng tôi
chưa chứng kiến tận mắt việc nó làm bao giờ, chỉ thấy có một lần từ trong miền
Nam về, nó cầm theo nhiều cuốn băng ghi lại cảnh đi tìm mộ để bà con hàng xóm
đến xem”.
Nói
đến đây, cụ Kích dừng lại, ngước lên nhìn bàn thờ nơi đặt di vật mà bà Hòa cùng
với “nhà ngoại cảm” Nguyễn Thanh Thủy nói rằng của liệt sĩ Phạm Công Thành -
con trai cụ để lại. Cụ Kích thở dài: “Việc nó nhận mình có khả năng ngoại cảm,
rồi đi tìm mộ liệt sĩ khiến cho mọi người trong gia đình hết sức ngỡ ngàng.
Nhiều
người trong làng biết tin cũng đến xin số điện thoại liên lạc để tìm mộ người
thân, nhưng chưa thấy nó về tìm cho ai ở làng cả... Nếu anh muốn gặp nó thì hãy
liên lạc trực tiếp, hoặc lên nhà Thủy ở
thị trấn Chờ - Bắc Ninh, là người quen của nó. Nhiều lần nó cũng nói chuyện với
tôi về việc thường xuyên đi theo ông này để kết hợp tìm hài cốt liệt sĩ ở trong
miền trong”.
Chân dung tên Nguyễn Thanh Thủy
Để
tìm hiểu rõ hơn về sự việc, chúng tôi tiếp tục có cuộc trao đổi với ông Phạm
Đình Huấn (50 tuổi) - người dân thôn Tư Lễ, xã Kim Đường. Ông Huấn cho biết, thời
còn thơ ấu, ông là người thường xuyên tiếp xúc với bà Phạm Thị Hòa. Ông kể:
“Trong tâm trí của tôi thì bà Hòa cũng là người bình thường. Hồi còn bé vẫn
chơi thân với nhau, tôi thấy bà Hòa không có biểu hiện gì lạ, đặc biệt cho thấy
có thể trở thành một nhà ngoại cảm.
Rồi
bà Hòa đi lấy chồng, làm ăn ở nơi xa đã gần 30 năm nay, nên chúng tôi cũng ít
có cơ hội gặp nhau để chuyện trò. Gần 10 năm về trước, có thông tin bà Hòa trở
thành nhà ngoại cảm, rồi bỗng dưng tìm được mộ em trai mình hi sinh ngoài chiến
trường khiến cho người dân trong làng hết sức ngỡ ngàng.
Trong
tâm trí tôi thì bà Hòa vẫn là người phụ nữ khéo ăn, khéo nói, có tài thuyết
phục người khác, và hơn hết là bình thường như bao người phụ nữ khác. Bà Hòa
toàn đi tìm mộ ở đâu đâu chứ nhiều gia đình ở thôn Tư Lễ cũng bị mất mộ người
thân nhưng bà Hòa chưa lần nào về giúp dân làng tìm lại cả”
Một
người hàng xóm khác ở gần nhà bà Hòa cũng cho biết: “Bà Hòa làm công nhân cũng
là người bình thường, rồi sau dạo nhận mình có khả năng ngoại cảm đi tìm mộ
liệt sĩ thì bỗng chốc thay đổi từ lời ăn tiếng nói và ít khi về thăm quê như
trước. Cách ăn, mặc và dáng đi cho thấy bà Hòa có kinh tế ổn định.
Năm
ngoái, chính bà Hòa là người gửi tiền về để xây nhà cho bố mẹ đẻ (năm nay đều
ngoài 80 tuổi) ở. Hiện tại, chỉ có hai cụ già ở với nhau mà không ai chăm sóc.
Cũng chẳng biết bà ấy bận rộn thế nào nhưng cả năm. may ra bà Hòa chỉ về thăm
cha mẹ được mấy hôm rồi lại nhanh chóng lên đường vào trong miền trong, thấy
bảo là đi tìm mộ liệt sĩ gì đó...”.
Trao
đổi với PV, ông Phạm Thế Hưng - Trưởng thôn Tư Lễ, xã Kim Đường (Ứng Hòa - Hà
Nội) cho biết, ông cũng đã nhận được thông tin từ chính quyền tỉnh Quảng Trị
thông báo ra là bà Phạm Thị Hòa cùng với một người đàn ông tên Nguyễn Thanh
Thủy ở Bắc Ninh có hành vi lừa gạt thân nhân gia đình liệt sĩ và cơ quan chức
năng để tìm mộ liệt sĩ tại Quảng Trị cuối tháng 7/2013. Hiện cơ quan công an
trong Quảng Trị đang tiếp tục điều tra, làm sáng tỏ sự việc.
Ông
Hưng cho biết thêm: “Trong thôn, chẳng ai biết công việc cụ thể của bà Hòa là
gì. Mỗi lần đi về, bà ấy đều cầm theo rất nhiều đĩa quay lại cảnh tìm mộ liệt
sĩ rồi nói rằng mình chính là người có khả năng ngoại cảm, hướng dẫn các cuộc
tìm kiếm đó. Nhưng sự thật thế nào thì chẳng ai được rõ vì chính quyền chưa đưa
ra lời khẳng định.
Quãng
thời gian đầu năm vừa rồi, bà Hòa có đưa di vật của người anh trai là liệt sĩ
về nhưng không có giấy giám định ADN, hay có bất kỳ điều gì chứng tỏ đó là hài
cốt liệt sĩ. Chính quyền cũng nghi ngại nhưng chính bà Hòa một mực khẳng định
và chủ động đề nghị được tổ chức lễ an táng cho anh trai mình với nghi thức của
một liệt sĩ đã hy sinh vì dân tộc.
Bà
Hòa là người trong thôn nhưng đã cùng chồng con chuyển vào miền trong sinh sống
từ lâu, ngoài này chỉ còn bố mẹ đẻ, anh em còn lại thì cũng đều sinh sống trên
Hà Nội cả. Tuy thế, nếu như làng có công có việc gì thì bà Hòa đều có đóng góp
đầy đủ.
Thi thoảng, bà Hòa mới về quê thăm gia đình và
nếu như có sự kiện tâm linh nào lớn thì bà Hòa cũng về để cầu cúng. Cách đây
mấy năm, thôn Tư Lễ có tổ chức khánh thành một ngôi đình nên bà Hòa cũng về
tham dự. Lúc ấy, bà Hòa khấn rất... dẻo và chuyên nghiệp”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Mời bạn để lại nhận xét cho bài viết: