Để xác minh thông tin phản ánh của
người dân thôn Thọ Đức, xã Tam Đa,( huyện Yên Phong tỉnh Bắc Ninh) về việc di tích
lịch sử bến Can Vang đã được Nhà nước xếp hạng cấp Quốc gia đang bị “xẻ thịt”
để lấy đất đắp đê. Khoảng 10 giờ 5 phút, phóng viên đến trụ sở Đảng ủy, UBND xã
Tam Đa để tìm hiểu thông tin vụ việc, nhưng đã bị từ chối với lý do “bận ăn
nhậu”, “tiếp khách”…
Cáo “bận” để… đi nhậu!
Chúng
tôi nhận được đơn thư của một số người dân thôn Thọ Đức, xã Tam Đa (huyện Yên
Phong – Bắc Ninh) trình bày về việc, chính quyền địa phương tự ý cho chủ đầu tư
đào đất trong di tích lịch sử bến Can Vang, một di tích đã được Nhà nước xếp
hạng “di tích lịch sử - văn hóa” cấp Quốc gia nằm trong phòng tuyến sông Như
Nguyệt năm 1077. Người dân đã kịp thời phản ánh đến chính quyền địa phương
nhưng không được xem xét, giải quyết, khiến di tích lịch sử vẫn đang bị xâm hại
nghiêm trọng.
Sau
khi có mặt tại hiện trường xác minh vụ việc, khoảng 10 giờ 5 phút sáng ngày
4/5/2012, phóng viên đem những bức xúc của người dân, đến Đảng ủy - UBND xã Tam
Đa để phản ánh, xác minh rõ sự việc. Tuy nhiên, đang trong giờ hành chính,
nhưng đã có nhiều cán bộ ở đây rời khỏi trụ sở. Ngay cả phòng Bí thư Đảng ủy,
Chủ tịch UBND xã cũng đã khóa cửa sẵn… Thấy chúng tôi có vẻ ngạc nhiên, ông
Nguyễn Quang Lân, cán bộ Kế toán Tài chính xã Tam Đa cho biết: “Hôm nay nhà Chủ
tịch UBND xã có việc nên không đến. Xã vừa họp Chi bộ xong có Ủy ban Kiểm tra
Huyện ủy về dự nên giờ Bí thư Đảng ủy và mọi người đều phải đi tiếp khách”.
Thấy
phòng Phó Bí thư Đảng ủy xã trên tầng 2 còn mở cửa, phóng viên vội chạy lên
liên hệ thì cũng đúng lúc có một cán bộ đến khóa cửa để ra về. Chúng tôi hỏi
tìm gặp lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã có việc thì được đồng chí này cho biết: “Đồng
chí Bí thư vừa lên đến đầu dốc, anh gọi có khi còn kịp”. Nghe vậy, phóng viên
đã xin số gọi cho ông Trần Văn Lộc, Bí thư Đảng ủy xã Tam Đa, sau khi nghe
phóng viên trình bày nội dung phản ánh của người dân, ông Lộc vội thoái thác
“Tôi đang bận, không tiếp được” rồi cúp máy. Phóng viên bấm số gọi lại thì được
ông cho biết “đang đi xe, không nghe máy được”, sau đó ông này tắt luôn điện
thoại”.
Không
được Bí thư tiếp đón, phóng viên tiếp tục gọi cho ông Nguyễn Văn Tôn, Chủ tịch
UBND xã Tam Đa, thì được ông cho biết: “Mấy hôm nay nhà tôi có việc nên tôi
không đến trụ sở, tôi đã báo cáo, xin phép đồng chí Bí thư rồi, các anh có gì
thì gặp trực tiếp Bí thư trả lời…”.
Cán bộ rủ nhau đi “nhậu” trong giờ hành chính, trong khi dân như ngồi
trên đống lửa vì di tích bị bức tử.
Sau
khi liên lạc qua điện thoại không thành, chúng tôi quay lại thì cả trụ sở Đảng
ủy, UBND xã Tam Đa đã không còn lấy một bóng người. Sau khi biết chuyện, một số
người dân thôn Thọ Đức đã tỏ ra rất bức xúc trước cách làm việc của lãnh đạo
xã, trong khi di tích đang bị xâm hại nghiêm trọng mà các “công bộc” này lại bỏ
đi “ăn nhậu” trong giờ hành chính nên đã nhất quyết đi tìm. Đến 11 giờ 15 phút
cùng ngày, sau khi phát hiện các “quan” đang ăn nhậu tại nhà anh Nguyễn Văn
Toàn, Bí thư Đoàn TNCS HCM xã Tam Đa (tại thôn Thọ Đức ) đông đảo người dân đã
cùng phóng viên đến tận nơi ghi nhận sự việc. Sau khi thấy người dân ập đến,
một số cán bộ đang ngồi ăn, uống trong nhà vội bỏ bữa chạy sang một số nhà bên
cạnh lánh mặt, trong khi mồm miệng vẫn nhai nhồm nhoàm, có cán bộ cầm nguyên cả
chiếc đùi gà chạy... Chứng kiến sự việc, ông Nguyễn Văn Liên một người dân cho
biết: “Trong những người ăn uống tại đây có cả ông Nguyễn Văn Hương, Phó trưởng
ban Kiểm tra Huyện ủy, ông Nguyễn Văn Lộc, Bí thư Đảng ủy xã Tam Đa và nhiều
cán bộ cấp xã khác. Khi thấy có người dân đến, một số cán bộ đã vội vã lấy xe
để đi ra ngoài như trốn chạy… Tôi thật không hiểu nổi, tại sao họ có thể ăn
nhậu vui vẻ, linh đình đến thế trong khi di tích lịch sử cấp Quốc gia đang bị
xâm hại mà không ngăn chặn…?”. Còn anh Nguyễn Văn Toàn cho biết: “Hôm nay nhà
tôi có việc nên mời mọi người về dùng bữa, ngoài cán bộ xã còn có cả cán bộ
Huyện ủy…”.
Chuyện
bình thường ở huyện!?
Sau
khi nghe phóng viên tường trình lại toàn bộ sự việc, ông Ngô Quý Tiệp, Phó bí
thư Thường trực Huyện ủy Yên Phong đã gọi điện thoại trực tiếp cho ông Hương để
xác minh lại và sau đó cho biết: “Ông Hương là cán bộ được Thường vụ Huyện ủy
giao phụ trách xã Tam Đa nên hôm nay có xuống sinh hoạt chi bộ với anh em. Sau
đó, anh em có nấu cơm mời nên cùng đi ăn và uống rượu ở đó. Thực ra chuyện ăn,
uống trong buổi trưa thì chúng tôi không cấm, chỉ quán triệt anh em không được
uống say để khỏi ảnh hưởng đến giờ làm việc buổi chiều. Hiện chúng tôi đang
thực hiện thời gian làm việc mùa hè nên buổi sáng bắt đầu từ 7 giờ 30 phút – 11
giờ 30 phút, nhưng đối với cấp xã thì khó thực hiện vì còn nhiều mối quan hệ
anh em, họ hàng ràng buộc. Nếu là tôi đi công tác mà anh em có mời thì cũng sẽ
ăn uống bình thường”.
Về
việc trong khi phản ánh của người dân chưa được ghi nhận giải quyết, nhưng cán
bộ lại đi ăn, uống trong giờ hành chính, ông Tiệp cho biết: “Như vậy đúng là
không nên, người dân sẽ nhìn vào đánh giá, nhưng tình hình thôn Thọ Đức mấy năm
nay rất phức tạp với nhiều vụ khiếu kiện kéo dài, nhiều vụ đã xử lý nhiều lần
nhưng người dân vẫn chưa đồng ý. Chúng tôi sẽ ghi nhận và quán triệt lại anh em
để sự việc trên không tái diễn”.
Thiết nghĩ, Huyện ủy Yên Phong cần nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, chấn chỉnh lại ý thức gương mẫu, chấp hành của cán bộ, Đảng viên trên địa bàn. Đồng thời chỉ đạo làm rõ, kịp thời bảo vệ di tích lịch sử đang bị xâm hại nghiêm trọng trên địa bàn, lấy lại lòng tin cho nhân dân, ổn định tình hình trên địa bàn./.
Trước đó, ngày 21/3, tại cuộc họp
với UBND các tỉnh, thành phố và Bộ Giao thông Vận tải, Ủy viên Bộ Chính trị,
Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị: "Cán bộ không được
uống rượu bia buổi sáng, buổi trưa".
Đã thấy nhục vì miếng ăn chưa?
Trả lờiXóa