Mang những băn khoăn về một câu hỏi: Việc lấy
đất đắp đê gần khu vực đền Can Vang có xâm hại di tích lịch sử hay không? Phóng
viên tiếp tục đi tìm câu hỏi từ các cơ quan chức năng.
Không biết vị trí lấy đất cách đền bao nhiêu
(!?)
Như chúng tôi đã đưa tin, cả khu vực bãi Miễu
nơi tương truyền là chiến trận ác liệt, nơi còn lại của Phòng tuyến Như Nguyệt
năm xưa giờ chỉ là một roi đất bị lò gạch, bị thuyền hút cát... gặm nham nhở.
Hiện nay, Ban quản lý dự án đắp đê lại đang tiếp tục cho máy xúc đào đất khu
vực bãi Miễu để đắp đê. Phóng viên đã gọi điện cho ông Nguyễn Văn Bang- Chủ
tịch huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh) để hỏi rõ về sự việc. Ông Bang cho biết: Ông bận họp và cử
Nguyễn Văn Giảng là Trưởng phòng tài nguyên Môi trường tiếp thay.
Tại buổi làm việc ông Giảng tỏ ra rất mù mờ về
phần đất mà đơn vị thi công đang đào, lấy. Lúc đầu thì ông nói là chưa giao,
chưa đủ thủ tục giao cho đơn vị đầu tư vì có việc chuyển đổi khu đất do khiếu
kiện của dân. Nhưng, cùng làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Thuấn, Cán bộ
kĩ thuật Ban quản lý dự án- Sở NN - PTNT lại khẳng định là đã được giao và bên
nhà thầu là Công ty xây dựng Cường Vinh đang lấy đất đúng ranh giới, khu vực
đất được giao.
Đền Miễu (Can Vang), tương truyền nơi Lý Thường Kiệt cho đọc bài thơ thần Nam Quốc Sơn Hà
Khi chúng tôi hỏi các ông có biết khoảng cách
từ điểm lấy đất đến Đền Can Vang (Khu di tích đã được nhà nước công nhận là di
tích lịch sử đã được công nhận) là bao nhiêu không? Cả hai đều lắc đầu không
biết về khoảng cách khu lấy đất với Đền. Chúng tôi hỏi tiếp, hiện huyện đã có
bản đồ khu vực di tích đền Can Vang chưa? Ông Giảng trả lời: Cái này là bản đồ
hành chính, chúng tôi chỉ làm bản đồ trích đo, còn “sao tôi phải khoanh vùng
bên ngoài, chúng tôi chỉ khoanh vùng chỗ thu hồi thôi chứ”. Ông Thuấn thêm vào,
cái này, Thôn xã đã cam kết là không ảnh hưởng gì đến di tích đã cắm ranh giới
thì chúng tôi mới đo đạc. Chúng tôi tiếp tục hỏi: “Có phải xã, thôn chỉ đâu thì
các anh cắt chỗ đó, còn chỗ khác không quan tâm đúng không?”- Ông Thuấn trả lời
là đúng, nhưng dường như thấy “hớ” ông Thuấn phủ định, còn ông Trưởng phòng tài
nguyên môi trường huyện thì “nổi nóng” không đồng tình với câu hỏi của phóng
viên nhưng cũng không trả lời thẳng vào vấn đề. Ông Giảng nhấn mạnh: Chúng tôi
thi hành đúng thủ tục, trên cơ sở thu hồi đất. Các anh kiểm tra hồ sơ xem chúng
tôi sai ở đâu?
Bản đồ trích đo khu vực lấy đất "nghi vấn" là bến Can Vang
Tỉnh chưa giao, huyện, xã và thôn “bảo lãnh” cho lấy đất Phòng tuyến Như Nguyệt
Cuộc trao đổi diễn ra khá căng thẳng, nhưng
vẫn cho thấy một điều, Phòng tài nguyên huyện và Ban quản lý dự án- Sở NNPTNT
chưa hề đánh giá tác động của khu vực lấy đất với khu vực khác. Bản đồ chỉ là
trích đo dựa trên cơ sở xã, thôn đóng cọc không xác định nó cách đền bao nhiêu,
nó có thuộc khu di tích nào(?)
Trong khi đó trong bản Báo cáo khảo sát mới
nhất số 124/BC-BQLDT của Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh ngày, 08/12/2011, ghi
rõ: “Ngày nay, bến Can Vang vẫn còn con đường nằm trên con đường từ bến sông
Can Vang ngược phía Bắc lên dãy Tiên Lát, xuôi phía Nam về Thọ Đức, là con
đường mà trong thời kỳ kháng chiến chống Tống. Địa điểm bến Can Vang vẫn không
thay đổi, đây là chứng tích lịch sử của cuộc kháng chiến chống Tống năm 1077”.
Theo quan sát của phóng viên, địa điểm lấy đất của Ban Quản lý dự án nằm ngay
con đường độc đạo ra sông đi men quanh khu di tích đền Can Vang. Sao chính
quyền huyện, xã và thôn lại có thể không nhận ra điều đó (???)
Bản khảo sát mới nhất của Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh khẳng định vẫn còn Bến Can Vang trên con đường từ đê xuống rìa sông
Qua cuộc trao đổi, ông Giảng- Trưởng phòng tài
nguyên môi trường khẳng định: Chúng tôi mới chỉ có tờ trình gửi UBND tỉnh, hiện
tại khu đất Ban quản lý dự án đang lấy chưa được tỉnh giao nhưng vì tính cấp
bách của công trình nên, xã, thôn đã ký vào biên bản giao trước cho Ban Quản lý
dự án đào đất.
Chúng tôi tiếp tục làm việc với ông Nguyễn
Hoài Nam - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đắp đê Hữu Cầu,ông có đưa ra Biên bản
bàn giao mặt bằng của lãnh đạo thôn Thọ Đức, UBND xã Tam Đa, Phòng Tài nguyên
và môi trường huyện cho Ban QLDA đề ngày 13/3/2012. Trong đó nêu rõ, hai vị trí
lấy đất đắp đê nằm ở phía trên và phía dưới đền Can Vang (phía thượng lưu và hạ
lưu sông Cầu), diện tích khoảng 11.000m2 đất nông nghiệp (đất bãi ven sông),
thuộc quỹ đất công ích của xã, hiện tại xã giao cho thôn (HTX Thọ Đức sử
dụng)”. Trước đó, ngày 8/3/2012, Ban QLDA đã có Biên bản làm việc và được lãnh
đạo thôn Thọ Đức, Chủ tịch UBND xã Tam Đa khẳng định vị trí đất khai thác cách
xa đền Can Vang nên khi khai thác không làm ảnh hưởng đến đền”. Còn di tích Bến
Can Vang và các di tích khác không thấy được nhắc đến?!. Ông Nam tỏ ra ngỡ
ngàng vì không được chính quyền địa phương cho biết.
Bằng chứng về việc "bảo kê" đào đất phòng tuyến Như Nguyệt, giao đất trái thẩm quyền của thôn Thọ Đức, xã Tam Đa và huyện Yên Phong
Thế nhưng, theo quy định tại điều 37, Luật đất
đai 2003 thì thẩm quyền giao đất là do UBND tỉnh thành phố trực thuộc Trung
ương mới có quyền giao đất cho tổ chức.
Điều 37, Luật Đất đai năm 2003 quy định:
“Thẩm quyền giao
đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, trong đó, UBND tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép
chuyển mục đích sử dụng đất đối với tổ chức; giao đất đối với cơ sở tôn giáo;
giao đất, cho thuê đất đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài; cho thuê
đất đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài. UBND huyện, quận, thị xã, thành phố
thuộc tỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử
dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân; giao đất đối với cộng đồng dân cư.
UBND xã, phường, thị trấn cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào
mục đích công ích của xã, phường, thị trấn. Cơ quan có thẩm quyền quyết định
giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất quy định tại các
khoản 1, 2 và 3 Điều này không được ủy quyền”.
|
Việc giao đất trái thẩm quyền đã rõ, khu đất
được giao để đào đất đắp đê nằm trên bãi Miễu (trong khu vực phòng tuyến sông
Như Nguyệt) xưa là đúng, còn đây có chắc chắn là Bến Can Vang hay không? Câu
trả lời dành cho UBND tỉnh Bắc Ninh và các ngành văn hóa. Nhưng, việc trước mắt
dừng ngay việc đào đất tại khu vực gần đền Can Vang và cần vào cuộc và làm rõ
ranh giới cấm vi phạm của quần thể khu di tích phòng tuyến sông Như Nguyệt ở
đâu, trước khi di tích này biến mất. Bên cạnh đó, cần làm rõ những sai trái của
các cá nhân đẩy di tích lịch sử hàng nghìn năm vào tình cảnh như hiện nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Mời bạn để lại nhận xét cho bài viết: