.
.
Những bao tải da lợn thâm sì, bốc mùi này khi qua sơ chế sẽ thành món canh “bì bóng” khoái khẩu trong các mâm cỗ.
“Lò” da tệ hơn… lều vịt!
Lều lán xập xệ, da lợn phơi trên mái đê
Cách trung tâm Hà Nội hơn 30km, xã Tam Đa, huyện Yên Phong (Bắc Ninh) trải dài bên bờ con sông Cầu. Thọ Đức là thôn cuối xã, vắt dọc theo triền đê. Lô nhô ven rìa thôn, phía chân đê là các xưởng sơ chế da (bì) lợn của các chủ tư nhân trong vùng.
Gọi xưởng cho “oai” nhưng thực chất chỉ là những lều lán dựng lộn xộn một cách tạm bợ, xập xệ, cũ nát che được nắng nhưng không tránh được mưa với cơ man dây rợ lằng nhằng như tấm áo vá đụp. Bên trong các xưởng này, nền xi măng lúc nào cũng ướt sũng bởi nước ứ đọng, khắp nơi bóng nhẫy mỡ lợn, nước than nhem nhuốc. Các loại da lợn, nước thải hoà cùng hóa chất tẩy trắng tạo thành một tạp chất bốc mùi hôi khó tả.
Ấy thế mà, ngay trong các xưởng này, bì lợn lại được đặt thẳng xuống nền để bóc mỡ, đánh lông, ép thẳng... Bao nhiêu chất thải từ đây đổ thẳng ra sông khiến nước sông biến sắc. “Trước đây, con sông này nước trong xanh, mùa nước cạn còn nhìn thấy cả đáy sông ấy chứ. Thế mà giờ... mỗi chiều ra bờ đê, nhìn dòng sông Cầu mà tôi thấy buốt lòng cô ạ!”, một cụ già trong xã nói.
Dừng xe cạnh cái xưởng có quy mô lớn nhất, một số công nhân đang làm việc đánh mắt về phía chúng tôi với vẻ e dè, cảnh giác. Trong vai khách xa hỏi thăm đường giữa trưa nắng nóng, hai công nhân nữ mới đồng ý cho chúng tôi bước chân vào gian ngoài của xưởng, nơi chứa da lợn đã được phơi khô, đóng bao chất thành đống lớn. Ngay lối vào, vài sọt da lợn mới được một người gom trong chợ làng về, đặt trên nền đất ẩm ướt, ruồi, nhặng bay vo ve chung quanh. Bên cạnh kho chứa hàng khô này là một gian khác có các lò đang đỏ lửa đun các chảo da bốc khói nghi ngút. Tiếp đó, khu bể chứa hoá chất nhằm tẩy trắng nằm dãy cuối cùng liền kề sông Cầu.
Đây cũng là nơi công nhân thực hiện công đoạn làm sạch da trước khi đem phơi nắng. Hầu hết các gian phòng của xưởng đều nhầy nhụa, bẩn thỉu song đều có một rãnh nước nhỏ để xả phế phẩm ra sông. Mục sở thị các công đoạn sơ chế mà rùng mình bởi da lợn được đặt dưới nền nhà nhớp nháp, công nhân tay trần cầm dao tách mỡ, đánh lông những mảng bì lợn đổi màu thâm xì đang dần bị phân huỷ.
“Canh bóng bì” ghê như “mỹ phẩm ngoại”
Da lợn không rõ nguồn gốc nhập về
Da lợn được thu gom từ các lò giết mổ ở khắp nơi, các chợ trong vùng đưa về đây “xử lý”. Thậm chí, “có khi da lợn dồn vài ngày, thâm xì, bốc mùi họ cũng mua. Cứ mang về ngâm vào hóa chất là lại trắng trẻo như thường thôi!”, một công nhân cho hay.
Da lợn được sơ chế qua các công đoạn hết sức thủ công. Đầu tiên, công nhân tập trung bóc mỡ, đánh lông, rồi cho vào chảo lớn luộc. Da lợn chín tới được vớt ra thả vào các bể chứa chất tẩy trắng, ngâm trong một thời gian nhất định rồi lấy ra thực hiện công đoạn “ép thẳng” bằng cách xếp các tấm da chồng nhau sau đó đè lên trên bằng... vài viên gạch cho có độ nặng!?
Những ngày trời nắng, các mảng da lợn tím tái sau khi ngâm trở thành trắng nõn đó được mang ra phơi khắp chân đê, mái đê. Nhằm ngày trời mưa, các chủ “lò” cho da vào sấy bằng lò than. Phơi, sấy khô, da lợn được đóng vào bao tải đem xuất cho các ông chủ khác thực hiện những công đoạn chế biến cuối cùng để quay lại phục vụ dân.
Công nhân một “lò” sơ chế chỉ tay vào đống da mới nhập về nói: “Lượng da này sơ chế xong lại nhập cho các cơ sở chế biến bóng bì ở nơi khác làm nguyên liệu. Đó là món canh bóng bì trong các đám cỗ ấy mà. Riêng phần mỡ sau khi tách ra được phân loại rồi cho vào chảo đun, ép lấy nước, rồi mỡ nước, tóp mỡ lại bán ra thị trường”. Thật kinh người khi biết những mảng da lợn tím tái và hôi thối này cuối cùng lại có mặt trên bàn ăn các quán nhậu phục vụ thực khách hay thành món canh bóng bì “không thể thiếu” trên mâm cỗ của nhiều gia đình những ngày lễ Tết, giỗ, chạp.
Dù vậy, tiếp xúc với ông chủ “lò” nhỏ, chúng tôi được tiết lộ, “phần lớn hàng xuất đi Trung Quốc chứ các cơ sở chế biến bóng bì không nhiều lắm! Nghe đâu họ nhập về làm nguyên liệu sản xuất mỹ phẩm đấy!”. Không biết ông chủ “lò” này có cảnh giác quá mà nói vậy không nhưng một công nhân khác thì thẳng thắn: “Có thành mỹ phẩm thì cuối cùng rồi nó lại quay về nước hết thôi mà!
Mỹ phẩm làm ra, họ lại đưa sang bán cho các bà, các cô Việt Nam dùng!”. Được biết, các chủ xưởng nhỏ sau khi sơ chế da lợn xong đều nhập cho xưởng lớn nhất. Từ đây những miếng da lợn khô mới ra khỏi làng. Từ đó, da lợn “đi” về đâu thì kể cả người dân lẫn công nhân chẳng ai hay biết.
Chỉ có một điều bất cứ ai đến đây cũng thấy rõ là các xưởng sơ chế dựng trên bãi đất trống chân đê, chất thải xả ra sông theo dòng nước phát tán khắp nơi. Mặt đê, chân đê phơi la liệt những tấm da lợn đã qua các công đoạn sơ chế bám đầy ruồi nhặng.
Các “lò” sơ chế này đều nằm cách khu đông dân cư khoảng 400 – 500m, nhưng mùi hôi thối từ đây vẫn theo gió bốc lên nồng nặc vào tận trong làng. Bất cứ ai đi qua dù đã đeo khẩu trang vẫn phải đưa tay lên để... bịt mũi. Nguy cơ bệnh tật và các loại dịch có thể xảy ra bất kỳ lúc nào!
.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Mời bạn để lại nhận xét cho bài viết: