CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ GIỚI THIỆU XÃ YÊN PHỤ, HUYỆN YÊN PHONG, TỈNH BẮC NINH. MỘT VÙNG ĐẤT ĐỊA LINH NHÂN KIỆT. TIẾNG NÓI CỦA QUẦN CHÚNG NHÂN DÂN, CỦA DÂN, DO DÂN VÀ VÌ DÂN

Trang

5 thg 12, 2009

TỶ PHÚ YÊN PHỤ NHỜ CHĂN NUÔI


Về Cầu Gạo, Yên Phụ (Yên Phong, Bắc Ninh) mọi người đều biết đến anh Nguyễn Văn Bắc với biệt danh “tỷ phú chăn nuôi”.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Bắc kể:“ Trước kia tôi từng làm nghề giết mổ lợn, sau sang buôn lợn. Công việc này vất vả sớm hôm nhưng cũng chẳng được bao nhiêu. Đến năm 2005 khi địa phương có chủ trương chuyển đổi ruộng trũng sang làm VAC, tôi quyết tâm tập trung vốn liếng tích luỹ thuê dài hạn 2,8ha ruộng trũng của thôn làm trang trại. Đồng thời, tôi dành thời gian đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm một số mô hình chuyển đổi hiệu quả ở trong tỉnh và các tỉnh lân cận…Sau đó mới quy hoạch diện tích đất làm ao, chuồng nuôi thả cá, lợn”. Ngay từ lứa đầu tiên, anh đã nuôi cả trăm con lợn thương phẩm. Mỗi lứa thu hoạch xong có lãi lại đầu tư mua thêm lợn con và xây thêm chuồng trại… Điều ít ai làm được trong mấy năm gần đây, trong khi chăn nuôi bấp bênh, nhưng trang trại của anh vẫn thu lãi đều .
Không dừng lại ở việc nuôi lợn thương phẩm với quy mô ngày càng nhiều, năm 2007 anh còn đi học nghề “nuôi lợn hướng nạc”. Anh Bắc cho rằng: “Mua giống bên ngoài dễ xảy ra dịch bệnh, chăn nuôi gặp nhiều rủi ro. Chỉ có mô hình chăn nuôi khép kín mới hạn chế được điều này”. Đến trại chăn nuôi nào anh cũng hỏi cách chăm sóc, vệ sinh chuồng trại, phòng dịch và cách chăm sóc lợn giống. Trở về quê anh bắt tay vào tu sửa và xây dựng thêm chuồng trại quy củ, đặt khung sắt nuôi lợn và máng ăn tự động giống như mình đã học được và đưa lợn nái giống về nuôi. Tính đến nay, trong chuồng của anh Bắc luôn nuôi 40 lợn nái hướng nạc và 200-300 lợn hướng nạc thương phẩm. Trung bình mỗi năm 2,5 lứa, với số lượng này, mỗi ngày anh Bắc phải đầu tư 4-5 triệu đồng tiền thức ăn cho lợn. Tuy nhiên, mức lãi cũng không phải là thấp, trừ chi phí trên mỗi đầu lợn từ khi phối giống đến khi xuất chuồng vẫn còn lãi hơn 800.000 đồng/ con.
Cùng với nuôi lợn, anh Bắc đã đào 2 ao và đưa các loại cá truyền thống vào nuôi. Để giảm chi phí đầu vào mà vẫn bảo đảm tiêu chuẩn cá khoẻ, mau lớn… anh đã đi học kỹ thuật ươm, nuôi cũng như chống nóng, rét cho cá. Anh liên hệ trực tiếp với Viện Thuỷ sản ( Hà Nội) mua trứng cá về tự ươm nuôi. Tận dụng chất thải của lợn làm thức ăn cho cá….Nhờ vậy, với 2 ao chuyên nuôi thả cá, mỗi năm anh thu được gần 400 triệu đồng. Riêng năm qua cá được giá, nên thu được gần 500 triệu đồng.
“Tiếng lành đồn xa” trang trại nuôi lợn hướng nạc của anh Bắc được nhiều người tìm đến học tập. Ai đến đây cũng được anh hướng dẫn tận tình. Vừa qua, anh còn vận động một số hộ chăn nuôi trong thôn thành lập Hợp tác xã chăn nuôi Hoà Bình gồm 21 xã viên là những hộ chăn nuôi thuỷ sản, gia súc, gia cầm trong thôn, xã với mục đích tạo sân chơi cho mọi người chia sẻ, giúp đỡ nhau về khoa học kỹ thuật chăn nuôi cũng như giống vốn… để cùng nhau phát triển. Với trách nhiệm là Phó Chủ nhiệm hợp tác xã Hòa Bình anh Bắc là luôn gương mẫu thực hiện tôn chỉ mục đích đó với mong muốn thúc đẩy HTX phát triển.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn để lại nhận xét cho bài viết:

THÔNG TIN LIÊN HỆ: (Mời bạn viết nội dung cần liên hệ với chúng tôi rồi bấm vào "Gửi", bạn có thể viết trên "Word" rồi paste(Ctrl V) vào ô "nội dung")
Tên bạn (hoặc nickname): *
Địa chỉ Email : *
Tiêu đề : *
Nội dung :
Mã xác nhận: *
(Để chúng tôi nhận được thư của bạn, những mục đánh dấu sao (*) xin bạn vui lòng điền đầy đủ)
Số người đang xem trang báo này