CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ GIỚI THIỆU XÃ YÊN PHỤ, HUYỆN YÊN PHONG, TỈNH BẮC NINH. MỘT VÙNG ĐẤT ĐỊA LINH NHÂN KIỆT. TIẾNG NÓI CỦA QUẦN CHÚNG NHÂN DÂN, CỦA DÂN, DO DÂN VÀ VÌ DÂN

Trang

28 thg 11, 2013

TƯƠNG LAI MỜ MỊT CỦA 600 GIÁO VIÊN DẠY HỢP ĐỒNG HUYỆN YÊN PHONG KHI KẾ HOẠCH TUYỂN VIÊN CHỨC CÔNG CHỨC ĐƯỢC THỰC HIỆN

 
 
“Chúng tôi có hợp đồng lao động và đã dạy học từ 3-10 năm nay. Nhưng chúng tôi đang có nguy cơ mất việc, bởi theo kế hoạch tuyển viên chức ngành giáo dục năm 2013, thì chúng tôi không thuộc diện ưu tiên tuyển dụng”. Đây là nội dung chính trong đơn kêu cứu của một số giáo viên ở huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh) gửi các cơ quan chức năng mới đây.

 
Kinh nghiệm không bằng hồ sơ “đẹp”
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 6.9, UBND huyện Yên Phong có văn bản số 523/KH-UBND về kế hoạch xét tuyển 612 viên chức ngành giáo dục-đào tạo năm 2013 (dự kiến kéo dài từ ngày 26.11-14.12). Bản kế hoạch gồm 10 nội dung lớn này nêu lên khá chi tiết, từ mục đích yêu cầu, nguyên tắc, số lượng, cơ cấu tuyển dụng, ưu tiên trong tuyển dụng... cho tới các bước tổ chức thực hiện. 

Theo kế hoạch tuyển dụng, huyện Yên Phong sẽ chỉ ưu tiên tuyển thẳng những trường hợp là con liệt sĩ, con thương binh nặng, con bệnh binh nặng; hay tuyển thẳng theo chính sách thu hút nhân tài của tỉnh và những trường hợp ưu tiên khác thực hiện theo quy định tại khoản 2, điều 3 Nghị định 29/2012/NĐ-CP. Điều này đồng nghĩa với việc, hơn 600 giáo viên các khối mầm non, tiểu học và THCS đã hợp đồng giảng dạy từ nhiều năm qua tại các trường học trong huyện bị loại ra khỏi đối tượng ưu tiên tuyển dụng.

Điều đáng nói, trong số hơn 600 giáo viên hiện đang giảng dạy ở huyện Yên Phong, có khoảng 400 người đã có hợp đồng từ 3 năm trở lên; đặc biệt nhiều người phải chấp nhận ký hợp đồng từng năm một tới 10 năm liền. Sở dĩ có tình trạng này là do 10 năm qua, huyện Yên Phong bị “bỏ quên”, không có đợt thi hay xét tuyển viên chức ngành giáo dục lần nào. Theo thông tin từ phòng giáo dục huyện, một số trường, tỉ lệ giáo viên hợp đồng chiếm tới 60-80%. Như vậy, nếu không có những người thầy “ngoài biên chế nhà nước” này, 10 năm qua, ngành giáo dục Yên Phong không thể đáp ứng yêu cầu dạy và học trong suốt thời gian dài đó.

Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Đức - Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Yên Phong - cho biết, ông thấy có phần hơi bất công cho những giáo viên hợp đồng. Nhưng những đề nghị về việc cần ưu tiên cho những người có nhiều kinh nghiệm đứng lớp, nhiều người từng được công nhận giáo viên dạy giỏi các cấp không được cấp trên chấp thuận. Còn Trưởng phòng Nội vụ huyện Lê Kim Trường thì cho rằng, về cơ bản, huyện đã tuân thủ đúng nguyên tắc trong công tác xét tuyển viên chức; những vấn đề mang tính phát sinh từ thực tế như vậy, huyện phải được các cơ quan chức năng cấp trên chấp thuận thì mới áp dụng được.

Lo bị bỏ rơi

Một giáo viên (xin được giấu tên) - dạy hợp đồng đã 10 năm liên tục - cho biết, hầu hết giáo viên hợp đồng trong huyện hiện đang có tâm lý bất an. Nếu huyện thực hiện đúng “kịch bản” đã vạch ra, việc xét tuyển sẽ được ưu tiên cho những người có tấm bằng, bảng điểm thật “đẹp” và những người may mắn trong buổi phỏng vấn về năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người dự tuyển.

Đó là hai căn cứ để hội đồng tuyển dụng tính điểm xét tuyển, sau đó sẽ lấy theo độ dốc. Một nữ giáo viên khác - năm vừa qua được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, đã có gần 8 năm dạy môn học quan trọng ở một trường THCS - vô cùng lo lắng khi thấy bảng điểm hồi học sư phạm của mình chỉ ở mức bình thường. Bằng tốt nghiệp của cô cũng chỉ là loại trung bình khá. “Tôi sẽ khó mà vượt qua được nhiều ứng viên dù mới tốt nghiệp, chưa có kinh nghiệm, nhưng lại có bộ hồ sơ đẹp. Có nhiều người nghĩ, phải chăng, huyện Yên Phong đang “vắt chanh bỏ vỏ”, bỏ rơi giáo viên” – cô giáo bắt đầu bước vào độ chín của sự nghiệp “trồng người” nói thêm đầy bi quan.
Nhìn vào kế hoạch tuyển viên chức ngành giáo dục của huyện Yên Phong, người ta nhận thấy nó thật “chuẩn” theo những quy định chung. Nhưng thực tế thì đó lại là kế hoạch có thể gây ra nhiều bất ổn cho ngành giáo dục ở đây. Rất có thể, huyện sẽ tuyển được những người đúng với tiêu chí đề ra. Nhưng nếu như những giáo viên đã có nhiều năm cống hiến, đã từng là những người thầy giờ bị mất việc, thì liệu còn ai sẽ dám gắn bó với ngành giáo dục của huyện này?

1 nhận xét:

  1. Bài viết tương đối sát với thực thế, với cơ chế quan liêu như hiện nay thì rất dễ cho các lãnh đạo lách luật, để thu lợi cá nhân, mà điều này đã ăn vào gốc dễ của xã hội, dân thì lo lót cán bộ, cán bộ thì tìm cách lách luật để ăn chặn tiền của dân. Nên mới nói thời bây giờ vừa phải giỏi chuyên môn, vừa phải nhiều tiền để lót đường thì mới phát triển ngành theo công chức được.

    Trả lờiXóa

Mời bạn để lại nhận xét cho bài viết:

THÔNG TIN LIÊN HỆ: (Mời bạn viết nội dung cần liên hệ với chúng tôi rồi bấm vào "Gửi", bạn có thể viết trên "Word" rồi paste(Ctrl V) vào ô "nội dung")
Tên bạn (hoặc nickname): *
Địa chỉ Email : *
Tiêu đề : *
Nội dung :
Mã xác nhận: *
(Để chúng tôi nhận được thư của bạn, những mục đánh dấu sao (*) xin bạn vui lòng điền đầy đủ)
Số người đang xem trang báo này