CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ GIỚI THIỆU XÃ YÊN PHỤ, HUYỆN YÊN PHONG, TỈNH BẮC NINH. MỘT VÙNG ĐẤT ĐỊA LINH NHÂN KIỆT. TIẾNG NÓI CỦA QUẦN CHÚNG NHÂN DÂN, CỦA DÂN, DO DÂN VÀ VÌ DÂN

Trang

20 thg 7, 2010

XUNG QUANH QUẢ CHUÔNG XÃ YÊN PHỤ (YÊN PHONG, BẮC NINH): HỘI ĐỒNG GIÁM ĐỊNH CỔ VẬT BỘ VHTTDL NÓI GÌ?

.
Chiều 7.7, Sở văn hoá thể thao và du lịch (VHTTDL) Bắc Ninh đã chính thức công bố Kết luận của Hội đồng Giám định Bộ VHTTDL về quả chuông chùa Phúc Sơn, xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.

Image Hosted by ImageShack.us
.
Kết luận nêu rõ, về kích thước và hình dáng so với một số quả chuông thời Nguyễn hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử VN như Linh Tiên tự chung (Minh Mạng năm thứ 3) (1822); Long Nhiên tự chung (Minh Mạng năm thứ 10) (1829); Phổ Quang tự chung (Minh Mạng năm thứ 12) (1831)... thì quả chuông chùa Phúc Sơn, xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh có kích thước tương đương và kiểu dáng giống các quả chuông trên (hình trụ thành, miệng loe, vành miệng dày...). Đây là quả chuông nằm trong phổ hệ chuông đầu thời Nguyễn ở nước ta. Về hoa văn trang trí, Hội đồng Giám định cho biết, với những hoa văn như hồi văn chữ S, hồi văn thước thợ, mạng kim quy, hình lá đề kép, đặc biệt là hình tứ linh và rồng đuôi xoắn, vây sắc nhọn, hình vẩy cá là những hoa văn đặc trưng của thời Nguyễn, và là đề tài trang trí khá phổ biến thời Nguyễn. Đề tài tứ linh trong ô chữ nhật... được thể hiện khá nhiều trên các đồ thờ thời Nguyễn. Những trang trí trên giống với trang trí trên chuông Linh Tiên tự chung (1822), Phổ Quang tự chung (1831), Long Giác tự chung (1829)... là những quả chuông thời Minh Mạng đang bảo quản tại Bảo tàng Lịch sử VN. Những hoa văn trang trí trên quả chuông chùa Phúc Sơn đã bị mòn bởi thời gian.


Nhận định về văn tự trên chuông, kết luận cho biết, lối hành văn và cấu trúc của bài minh cũng giống các bài minh trên các quả chuông cùng thời gồm nội dung sau: niên đại, nơi đúc, tên người cung tiến và số tiền cung tiến. Địa chỉ ghi trên chuông “Bắc Ninh trấn” là tên gọi Bắc Ninh đầu thời Nguyễn từ năm 1822 đến năm 1831 mới đổi thành tỉnh Bắc Ninh. Vì vậy minh văn khắc tên chuông chỉ rõ đây là quả chuông của chùa Phúc Sơn được đúc vào thời Nguyễn. Minh văn khắc trên chuông ghi tên tập thể. Đối với màu sắc và hiện trạng quả chuông thì chuông có màu vàng xám, đặc biệt là lớp patin rỉ xanh (màu của thời gian) trên quai, mặt ngoài và mặt trong thân chuông, nhiều vết xước trên văn tự, các vết nứt ở miệng chuông được phủ một lớp patin dày. Các núm chuông đã bị lõm, có núm bị rỗ nhiều chỗ cho thấy chuông đã được gõ nhiều. Hiện trạng, màu sắc trên chứng tỏ chuông được đúc sớm và được sử dụng trong thời gian dài.

Chuông chùa Phúc Sơn, xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh cao 145 cm, đường kính miệng 69 cm, lòng chuông sâu 97 cm, vành miệng dày 3 cm, đường kính núm 13 cm, ô thân trên: 57cm x 35cm; ô thân dưới 10,5cm x 35cm; quai cao 46 cm. Chuông có hai phần, quai và thân. Quai đúc hình hai rồng quỳ đấu đuôi vào nhau tạo thành hình vòng cung. Đỉnh quai là hai đuôi rồng xoắn, giữa hai đuôi là hình hồ lô. Thân rồng vẩy cá, có vây sắc nhọn, hai đầu quay hai hướng, miệng ngậm ngọc, chân và cổ rồng dính liền với mặt trên của thân chuông. Thân chuông hình trụ, miệng loe. Các đường chỉ dọc và ngang chia thân chuông làm 8 ô, (4 ô thân trên hình chữ nhật đứng, 4 ô thân dưới hình chữ nhật ngang). Giữa 4 ô thân trên đúc nổi 4 chữ Hán “Phúc Sơn Tự Chung” (nghĩa là Chuông chùa Phúc Sơn). Trong ô hình bát giác, viền hồi văn chữ S. 4 góc của 4 ô thân trên đúc nổi hình hồi văn thước thợ; 4 ô thân dưới đúc nổi tứ linh và vân mây, sóng nước; giữa các ô đúc 5 đường chữ nổi. Trên đai đúc nổi 4 băng hoa văn hình mạng kim quy và 4 núm gõ tròn, viền ngoài băng nhũ đinh; vành trên miệng trang trí băng lá đề kép, trong mỗi lá đề có 5 chấm nổi; minh văn khắc chìm trong 4 ô phần thân trên và các đường gờ nổi giữa các ô.

Với các tiêu chí nêu trên và căn cứ hiện trạng quả chuông chùa Phúc Sơn, Hội đồng khẳng định quả chuông được giám định như sau: Là chuông của chùa Phúc Sơn, xã Yên Phụ (trong chữ Hán từ này đọc âm Hán Việt là An hay Yên đều đúng), huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh; Là quả chuông được đúc từ thời Nguyễn như niên đại đã ghi tên chuông (Minh Mệnh năm thứ 7) (1826). Từ đó, Hội đồng đi đến kiến nghị, đây là quả chuông quý thuộc di tích lịch sử đã được tỉnh xếp hạng, đề nghị Sở VHTTDL tỉnh Bắc Ninh, UBND huyện Yên Phong, UBND xã Yên Phụ và Ban quản lý di tích xã Yên Phụ có kế hoạch bảo quản, bảo vệ và phát huy giá trị đúng tinh thần của luật Di sản văn hóa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn để lại nhận xét cho bài viết:

THÔNG TIN LIÊN HỆ: (Mời bạn viết nội dung cần liên hệ với chúng tôi rồi bấm vào "Gửi", bạn có thể viết trên "Word" rồi paste(Ctrl V) vào ô "nội dung")
Tên bạn (hoặc nickname): *
Địa chỉ Email : *
Tiêu đề : *
Nội dung :
Mã xác nhận: *
(Để chúng tôi nhận được thư của bạn, những mục đánh dấu sao (*) xin bạn vui lòng điền đầy đủ)
Số người đang xem trang báo này