CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ GIỚI THIỆU XÃ YÊN PHỤ, HUYỆN YÊN PHONG, TỈNH BẮC NINH. MỘT VÙNG ĐẤT ĐỊA LINH NHÂN KIỆT. TIẾNG NÓI CỦA QUẦN CHÚNG NHÂN DÂN, CỦA DÂN, DO DÂN VÀ VÌ DÂN

Trang

28 thg 4, 2010

NHỮNG NGƯỜI PHỤ NỮ YÊN PHONG CÓ THÂN PHẬN HẨM HƯU BÊN LÒ GẠCH

.
Tại hàng chục lò gạch rải rác triền đê, từng tốp phụ nữ mồ hôi nhễ nhại dưới cái oi nồng của tiết trời đầu hạ, còng lưng kĩu kịt những gánh gạch trĩu hai vai.
Image Hosted by ImageShack.us
Lạ kỳ thay, đảm nhiệm cái nghề gánh
gạch nặng nhọc ấy toàn là phụ nữ.
Tại hàng chục lò gạch rải rác triền đê, từng tốp phụ nữ mồ hôi nhễ nhại dưới cái oi nồng của tiết trời đầu hạ, còng lưng kĩu kịt những gánh gạch trĩu hai vai. Những chiếc đòn gánh cong oằn vì nặng như phận đời gian truân của họ.

Trĩu nặng những đôi vai
Các ngôi làng nằm ven sông Cầu thuộc hai xã Tam Đa và Tam Giang (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) đang được xem là nơi sản xuất, cung ứng gạch của phần lớn các tỉnh phía Bắc. Những năm gần đây, cùng với sự phát triển ồ ạt của các lò gạch ven đê là một lực lượng “phu” gánh gạch, đốt lò đông đến cả ngàn người, gồm cả dân địa phương lẫn dân tứ xứ đổ về làm thuê. Lạ kỳ thay, đảm nhiệm cái nghề gánh gạch nặng nhọc ấy toàn là phụ nữ. Cứ mỗi lò có 15- 20 người chuyên gánh gạch. Hàng nghìn đôi vai nhọc nhằn ấy mỗi người một cảnh, nhưng họ đều là những mảnh đời gian khó, vì hoàn cảnh đẩy họ đến với cái nghề này.
“Ở nơi khác, đàn ông con trai làm cái việc nặng nhọc này, nhưng ở đây, từ việc cho đất vào lò nung đến việc gánh gạch đều do phụ nữ đảm nhận” - chị Nguyễn Thị Đào (ở xóm Đông, Thọ Đức, xã Tam Đa) vừa chống đòn gánh, cởi nón quạt qua loa cho đỡ nóng, vừa giải thích như vậy. Chị bảo, các ông chủ lò gạch chỉ thuê chị em gánh gạch bởi phụ nữ tuy sức yếu nhưng cần cù dẻo dai mà lại ít đòi hỏi kêu ca chuyện trả công ăn lương hơn cánh đàn ông.

Image Hosted by ImageShack.us

Mỗi ngày gánh 2.000 viên gạch.
Mỗi gánh gạch có 20 viên, bình quân mỗi gánh nặng 30 - 40kg. Chị Đào cho biết, mỗi người thường gánh 100 gánh gạch, tương đương 2.000 viên/ngày. Tính ra, mỗi người gánh đến 3 - 4 tấn và nhận được số tiền công ít ỏi 50.000 - 60.000 đồng/người/ngày. “Dù vất vả nhưng chúng tôi không nề hà gì cả, miễn là cuối ngày được cầm đồng tiền công về đong gạo cho con. Gạch đang vào mùa, hầu như những chị em gia cảnh khó khăn đều ra xin gánh gạnh thuê kiếm sống cả. Tranh thủ vào mùa khô là mùa xây dựng nên chị em mới được tạo công ăn việc làm đầy đủ thôi. Chứ vào mùa mưa, gạch xuất lò ít, đông người làm có khi người ta thuê chỉ có 25.000-30.000 đồng/ngày công. Tiền công ít cũng nhận vì thiếu việc, phải tranh nhau mà làm” - chị Đào tâm sự.
Gia đình chị Đào có 4 miệng ăn. Chồng mất vì tai nạn giao thông năm 1988, từ đó đến nay chị Đào một mình nuôi 3 người con chỉ với 2 sào ruộng. Cả nhà trông mong vào mấy sào ruộng khoán nhưng mất mùa, dịch bệnh liên tục nên gia đình thiếu ăn, túng bấn. Gần chục năm nay, chị theo những người bạn làm “phu” gánh gạch ven sông Cầu. Chị nói: “Vất vả nhưng có đồng ra đồng vào mua gạo nuôi con, chứ trông vào 2 sào ruộng, mỗi năm chỉ được 4, 5 tạ. Thu hoạch về bán (400.000 đồng/tạ) không đủ tiền đóng học cho 3 đứa con”. Gắn bó với nghề “phu” gạch từ đầu những năm 2000, cho đến giờ khi tuổi đời đã 47 mùa xuân, chị Đào là một trong những “lão làng” của đội quân “phu” gạch nơi đây.
Những lò gạch chất cao, ngày qua ngày cứ vơi dần, vơi dần, rồi ăn sâu xuống đáy lò, họ vẫn cần mẫn với quang gánh kĩu kịt từ lò ra đến ô tô tải. Những người “phu” gạch nối nhau trèo lên tấm ván lót nhỏ bắc từ miệng lò lên thùng xe chênh vênh, không tay vịn. Những bước chân bất chấp hiểm nguy vẫn bấu chặt, nhọc nhằn bước về phía trước...
Những phận đời hẩm hiu
“Không còn nghề gì khác để kiếm sống mới phải đi gánh gạch xệ hết cả vai, chấp nhận ô nhiễm, độc hại và tai nạn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào mà không hề có bảo hiểm hay hợp đồng thỏa thuận rủi ro trong lao động gì cả. Tất cả cũng chỉ để nuôi con, chứ ai lại chẳng muốn kiếm một công việc gì đó đỡ cực thân hơn” - quệt mồ hôi, chị Hiển vừa nói vừa thở dài.

Image Hosted by ImageShack.us

Mỗi người gánh đến 3 - 4 tấn và nhận được số tiền công ít ỏi 50.000 - 60.000 đồng/người/ngày.
Chị Nguyễn Thị Hiển, quê ở Bắc Giang. Quá lứa lỡ thì không có chồng, chị đành xin đứa con nuôi cho vui cửa vui nhà. Bao nhiêu năm nay, 2 mẹ con chị không ruộng đất cày cấy, sống xa quê để tránh đàm tiếu. Con chị đi làm mướn ở thành phố Bắc Ninh, còn chị gia nhập đội quân “phu” gạch. “Chị em ở đây ai cũng khổ cả, nên dễ cảm thông cho nhau”, chị Hiển nói. Chị kể lúc mới tìm đến Tam Đa gánh gạch, đau nhừ cả đôi vai, chân cẳng rỉ máu, trầy xước, đau đến bật khóc. Ở đây đã có rất nhiều người từng bị ngã gãy tay, gãy chân, toác đầu do trượt chân. Còn bị trầy xước, đổ máu chân tay là chuyện diễn ra hằng ngày. Cái lo nhất là bị các bệnh đường hô hấp, viêm phế quản, viêm phổi từ khói bụi đốt lò. Hầu như chị em nào đi khám bệnh không bị lao cũng bị viêm phổi, bệnh đường hô hấp.
Nguyễn Thị Duyên, cô gái quê Thanh Hóa, gánh gạch thuê được gần một năm kể, trước đây cô được bà con ở quê giới thiệu ra Hà Nội đi thu mua đồng nát. Làm được dăm tháng, không ăn thua, cô đi rửa bát cho một nhà hàng ở phố Láng Hạ, quận Đống Đa. Việc tuy vừa sức nhưng ít tiền mà lại gò bó thời gian. Sau theo người quen sang Yên Phong làm “phu” gánh gạch vì nghe nói tiền công được trả cao hơn. “Chấp nhận công việc cực hơn, nhưng lại thoải mái, được sống với những con người vốn coi vất vả là nghiệp của mình nên em thấy bình thường. Chỉ lo, ngày đi gánh gạch quần quật, đêm về lăn ra ngủ, không quan hệ với bên ngoài, lại sống với những chị con đường tình duyên không được suôn sẻ có khi em cũng thế không biết chừng” - Duyên nửa đùa nửa thật.
Nhìn những hàng người nối nhau kĩu kịt gách gạnh từ lò ra, chúng tôi chợt nhớ lại vụ sập lò gạch làm chết 6 người ở Châu Can, Phú Xuyên, Hà Tây vào buổi chiều định mệnh 7/1/2008. Hỏi về vụ sập lò gạch đó, hầu hết ở đây không ai biết, có chị trả lời rằng nghe mang máng ai kể ở đâu đó, nhưng xem ra những cái chết thương tâm đó không làm mảy may ý nghĩ bỏ nghề của họ. “Lo là việc của lo, làm vẫn cứ phải làm. Không gánh gạch thì lấy gì mà sống. Bao nhiêu năm nay, các lò gạch vẫn hoạt động không có vấn đề gì. Mà sống chết có số. Ông trời chắc không “bắt” thêm những người vất vả ” - Duyên nói mà mắt buồn buồn...
Chị Đào kể, “phu” gánh gạch đều có nỗi khổ như nhau, đời ai cũng lận đận tình duyên. Người thì chồng chết, đi gánh gạch nuôi con, người thì từng một thời lầm lỡ, bị lừa gạt... tìm về đây kiếm sống.
Hoàn cảnh của chị Lý được coi là éo le bất hạnh nhất trong số các chị ở đây. Lập gia đình không được bao lâu thì chồng chị bị ung thư gan. Anh đã ra đi bởi căn bệnh quái ác này và để lại cho mẹ con chị cảnh mái ấm không có nóc, của nả hiếm hoi cũng theo bệnh mà đi. Lấy chồng thứ 2 thì không may lại bị tâm thần. Chị một mình nuôi 3 đứa con của 2 đời chồng. “Nhiều lúc muốn chết đi cho khỏe các xác mình, nhưng chết đi rồi ai nuôi chồng, nuôi con, đành phải sống. Chết đâu có dễ!” - chị Lý tâm sự.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn để lại nhận xét cho bài viết:

THÔNG TIN LIÊN HỆ: (Mời bạn viết nội dung cần liên hệ với chúng tôi rồi bấm vào "Gửi", bạn có thể viết trên "Word" rồi paste(Ctrl V) vào ô "nội dung")
Tên bạn (hoặc nickname): *
Địa chỉ Email : *
Tiêu đề : *
Nội dung :
Mã xác nhận: *
(Để chúng tôi nhận được thư của bạn, những mục đánh dấu sao (*) xin bạn vui lòng điền đầy đủ)
Số người đang xem trang báo này