CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ GIỚI THIỆU XÃ YÊN PHỤ, HUYỆN YÊN PHONG, TỈNH BẮC NINH. MỘT VÙNG ĐẤT ĐỊA LINH NHÂN KIỆT. TIẾNG NÓI CỦA QUẦN CHÚNG NHÂN DÂN, CỦA DÂN, DO DÂN VÀ VÌ DÂN

Trang

10 thg 8, 2016

CỤ TRẦN VĂN THÊM Ở XÃ YÊN PHỤ ĐƯỢC MINH OAN SAU 46 NĂM


Tối ngày 9/8, Phó Chánh án TAND Tối cao Bùi Ngọc Hòa cho biết: Sau cuộc họp liên ngành, TAND Tối cao đã đưa ra kết luận chính thức về vụ án hy hữu kéo dài gần 50 năm qua của ông Trần Văn Thêm, ở thôn Đức Lân, xã Yên Phụ, Yên Phong, Bắc Ninh. Theo đó, khẳng định việc các cấp tố tụng đã khởi tố, truy tố ông Thêm về tội giết người từ năm 1970 là oan sai.
 

Ông Trần Văn Thêm mong sớm được các cơ quan tố tụng xác nhận vô tội.
Từ nạn nhân trở thành thủ phạm giết người
Ông Trần Văn Thêm năm nay đã 81 tuổi nhưng vẫn còn khá minh mẫn khi tiếp chuyện các phóng viên. Trong ngôi nhà cũ nát ở thôn Đức Lân, ông vẫn nhớ rành mạch từng chi tiết của vụ việc. Đó là thời điểm tháng 7/1970, ông Thêm cùng người em con nhà cô ruột tên là Nguyễn Khắc Văn đi về Vĩnh Phúc bán thuốc lào và mua trám về quê bán. 
Đêm 24/7/1975, hai người ghé vào ngủ ở lều cắt tóc thuộc thôn Cầu Diện, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú. Nửa đêm, hai anh em bị cướp tấn công. Hai anh em đánh lại và kêu cứu thì tên cướp bỏ chạy.
“Khi dân làng đến cứu thì trên tay tôi đang cầm cọc thồ xe dính máu còn Văn bị thương nặng, nằm tại chỗ sau đó được đưa đi bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi”. Với vật chứng là chiếc cọc thồ xe, năm 1973 ông Thêm bị các cơ quan tố tụng tỉnh Vĩnh Phú đưa ra xét xử với tội danh giết người, cướp tài sản và phải chịu mức án tử hình.
Ông Thêm chống án, năm 1974, TAND tối cao xét xử phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm. Đến năm 1974, qua hoạt động điều tra, cơ quan chức năng đã tìm ra đối tượng Phan Thanh Nhàn mới là kẻ giết người đồng thời làm bị thương ông Thêm. Ủy ban thẩm phán TAND Tối cao đã mở phiên tòa giám đốc thẩm tuyên hủy toàn bộ 2 bản án trên đồng thời giao cơ quan công an điều tra lại từ đầu. 
Giáp tết năm 1975, ông Thêm được gọi ra khỏi phòng biệt giam để gặp cán bộ Bộ công an và Công an tỉnh Vĩnh Phú. Sau hai ngày làm việc với cơ quan chức năng, ông được cấp giấy miễn lao động nặng rồi cho về quê.
Không có giấy tờ chứng minh mình trong sạch, ông Thêm cam chịu mọi điều tiếng sau khi trở về quê sinh sống. “Gia đình nhà ông Văn vẫn nghi tôi đút lót cán bộ nên được về nhà. Đi đâu tôi cũng mang tiếng là kẻ giết người. Các con tôi chẳng ai được học hành đầy đủ, vì tôi vướng vào tiếng xấu là người giết em lấy tiền. Đau xót lắm”, ông Thêm nhớ lại.
Hành trình gian nan
Để tự minh oan cho mình, ông Thêm đã tự thu thập nhiều tài liệu, chứng cứ để gửi đến các cơ quan chức năng. Trong những giấy tờ ông Thêm cho chúng tôi xem có cả giấy xác nhận của ông Cù Văn Tiện (nguyên là Phó phòng Cảnh sát hình sự năm 1974), người trực tiếp thụ lý vụ án của ông đồng thời cũng là người lấy lời khai của đối tượng Nhàn, xác định Nhàn đúng là hung thủ giết ông Nguyễn Khắc Văn. 
Thế nhưng, các cơ quan tố tụng đều đưa ra những câu trả lời giống nhau: Không đủ căn cứ để xác định ông bị xét xử oan sai. Trong một công văn trả lời của TAND tỉnh Phú Thọ ngày 2/10/2006, nêu rõ: Vụ án xảy ra năm 1970, trong thời kỳ chiến tranh phải đi sơ tán nhiều nơi do vậy hồ sơ các vụ án thời kỳ này đã bị thất lạc. TAND tỉnh Phú Thọ không còn quản lý hồ sơ.
Sự việc dần được sáng tỏ khi vào năm 2014, liên quan một vụ kiện đất đai do ông Trần Văn Được là cháu ruột của ông Thêm đứng nguyên đơn. Vụ kiện do Cty Luật Hòa Lợi (Đoàn Luật sư Hà Nội) thụ lý, ông Được đã nhờ Cty này xem xét vụ việc của ông Thêm.
“Khi nhận được hồ sơ, chúng tôi rất băn khoăn vì thực sự không có những căn cứ để xác định ông Thêm bị oan sai. Đúng là một việc làm mò kim đáy bể. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng vẫn còn hai đơn vị nữa có thể còn lưu trữ hồ sơ vụ việc đó là Công an tỉnh Bắc Ninh và trại cải tạo nơi giam giữ ông Thêm suốt gần 6 năm. Chúng tôi đã làm văn bản đề nghị các đơn vị này rà soát toàn bộ hồ sơ và thật may mắn đã tìm thấy các bản án của ông Thêm”, ông Vũ Văn Lợi, Giám đốc Công ty Luật Hòa Lợi, nói.  
Tình cảm 2 nhà gắn bó trở lại
Sáng 6/8, ông Bùi Ngọc Hòa, Phó Chánh án TAND Tối cao đã về tận nhà thăm, động viên và tìm thêm một số chứng cứ để làm rõ vụ việc của ông Thêm. “Đó là niềm vui rất lớn của tôi và tôi cùng mọi người trong gia đình đã mong chờ ngày này từ rất lâu rồi. Tôi luôn tin tưởng sẽ có ngày tôi được minh oan”, ông Thêm rưng rưng nói.
Con trai cả của ông Nguyễn Khắc Văn là ông Nguyễn Khắc Vinh, năm nay đã 66 tuổi hiện ở cách nhà ông Thêm vài chục mét. Trao đổi với phóng viên Tiền Phong chiều 9/8, ông Vinh cho biết, trong nhiều năm gần đây, tình cảm giữa hai nhà đã gắn bó trở lại. Bản thân ông đã nhiều lần ngồi ăn cơm, uống rượu với ông Thêm.
“Bản thân mẹ tôi là bà Bùi Thị Song, khi đi dự phiên tòa xét xử ông Thêm cũng đã đề nghị Tòa án tha cho ông Thêm không bị tử hình. Bản thân tôi cũng mong muốn cho các cơ quan chức năng sớm làm rõ sự việc để bố tôi dưới suối vàng cũng được thanh thản”, ông Vinh nói. 
Ông Vũ Văn Lợi, Giám đốc Cty Luật Hòa Lợi cho rằng: “Vụ việc kéo dài suốt 46 năm và không có thủ tục minh oan cho ông Trần Văn Thêm là do sự thiếu trách nhiệm, thờ ơ, vô cảm của các cơ quan tố tụng”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn để lại nhận xét cho bài viết:

THÔNG TIN LIÊN HỆ: (Mời bạn viết nội dung cần liên hệ với chúng tôi rồi bấm vào "Gửi", bạn có thể viết trên "Word" rồi paste(Ctrl V) vào ô "nội dung")
Tên bạn (hoặc nickname): *
Địa chỉ Email : *
Tiêu đề : *
Nội dung :
Mã xác nhận: *
(Để chúng tôi nhận được thư của bạn, những mục đánh dấu sao (*) xin bạn vui lòng điền đầy đủ)
Số người đang xem trang báo này