CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ GIỚI THIỆU XÃ YÊN PHỤ, HUYỆN YÊN PHONG, TỈNH BẮC NINH. MỘT VÙNG ĐẤT ĐỊA LINH NHÂN KIỆT. TIẾNG NÓI CỦA QUẦN CHÚNG NHÂN DÂN, CỦA DÂN, DO DÂN VÀ VÌ DÂN

Trang

23 thg 11, 2013

NHÀ TÂM LINH RỞM NGUYỄN THANH THUÝ, TÂM LINH CỦA KẺ ĐỘC ÁC

 
>> TOÀN CẢNH VỤ BẮT VỢ CHỒNG TÊN TÂM LINH RỞM NGUYỄN THANH THUÝ

1. Từ hơn một tuần nay, nhiều tờ báo trong nước liên tục đăng bài viết phanh phui sự việc động trời về một số người ở Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) đã tiếp tay cho Nguyễn Thanh Thúy (“cậu Thủy”) quê ở thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, Bắc Ninh một tên lừa đảo táng tận lương tâm khoác áo “nhà tâm linh” trong chương trình tìm hài cốt liệt sĩ, với trên 100 bộ hài cốt (hầu hết là hài cốt giả) để chiếm đoạt 7,9 tỷ đồng mà cơ quan chủ trì, chủ chi là NHCSXH. Thật xót xa thay! Tàn ác thay!...

Tác giả bài viết này là người trong cuộc. Bởi, gia đình tôi có 2 liệt sĩ. Chú tôi, Liệt sĩ Khổng Văn Doanh hy sinh trong kháng chiến chống thực dân Pháp vào đầu thập niên 50 của thế kỷ trước; Em trai tôi, liệt sĩ Khổng Minh Giảng, nhập ngũ năm 1967, cấp bậc Thượng sĩ, thuộc lực lượng công binh, hy sinh ngày 20/12/1972, tại mặt trận phía Tây Quảng Trị.

Theo lời nhắn nhủ của cha mẹ tôi trước lúc qua đời rằng: “Em Giảng nó hy sinh khi còn quá trẻ, vợ con chưa có. Bây giờ, con là “quyền huynh thế phụ”, hãy cố gắng tìm phần mộ em con, đưa nó về quê cha đất tổ để tiện bề hương khói cho em…”.

Tâm niệm lời cha mẹ tôi, kết thúc chiến tranh, từ chiến trường B2 trở về, sau mấy năm bươn chải lo cho chỗ đứng chỗ ngồi, lo miếng cơm manh áo, khi đã tạm gọi là “yên nơi, ấm chỗ” tôi mới bắt đầu tính tới chuyện đi tìm em tôi.

Ngay từ thời chưa có khái niệm tìm mộ qua ngoại cảm, tâm linh, cho tới thời điểm “phong trào” tìm hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp tâm linh, ngoại cảm bùng lên như một cơn sốt, cả thảy có tới dăm bảy lần tôi tìm về Quảng Trị - chiến trường máu lửa anh hùng, nơi em tôi đã chiến đấu, anh dũng hy sinh và nằm lại vĩnh viễn ở đó. Nhưng tất cả điều “bặt vô âm tín”. Có 3 địa chỉ tôi tập trung tìm kiếm, đó là nghĩa trang Đường Chín, nghĩa trang Trường Sơn và nghĩa trang Vĩnh Linh.




Nhà tâm linh tự xưng Nguyễn Thanh Thúy, tức “cậu Thủy” trong một lần đi tìm hài cốt liệt sĩ. 
Ngoài ra, còn nhờ anh em Công an địa phương: Phòng Công tác Chính trị (PX15), Phòng An ninh nội bộ và Văn hóa - Tư tưởng (PA25 - nay là PA83) Công an Quảng Trị, liên hệ nhờ các đồng chí Sở Thương binh xã hội rà soát giúp danh sách liệt sĩ ở 73 nghĩa trang của Quảng Trị, nhưng tất cả đều không có tin tức gì.

Là người lính, với 10 năm chiến đấu ở chiến trường, tôi đã từng mai táng nhiều đồng đội của mình, và không ít lần phải làm lễ truy điệu đồng đội bằng những nấm mồ không thi thể. Như chiến dịch Xê Đa Phôn (lột vỏ trái đất) diễn ra vào trước tết Mậu Thân, tại khu vực Bến Súc, thuộc huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Địch đã huy động vào đây trên 30 ngàn quân, với hàng trăm máy bay, hàng nghìn xe tăng, xe ủi, cố thủ hàng tháng trời trong phạm vi gần 2 chục cây số vuông.

Cán bộ, chiến sĩ của những cơ quan, đơn vị bám trụ ở khu vực này, nếu không thoát ra được, đều bị vùi lấp dưới các hầm bí mật. Khi địch rút đi, không còn một vết tích gì để nhận ra Bến Súc. Gần 2 chục cây số vuông đã như một nông trường đất đỏ mênh mông tít tắp. Đơn vị Tình báo chiến lược B48 chúng tôi có 2 cán bộ, đó là anh Dung và anh Lâm, trên đường về “R” công tác đã lọt ngay vào vùng chiến dịch của địch. Bao ngày chúng tôi đi tìm, đều ôm thất vọng trở về.

Thực tế ở chiến trường đã giúp chúng tôi tự an ủi mình – “Chắc em trai tôi là một trong số hơn 200 ngàn cán bộ, chiến sĩ nằm rải rác ở nhiều nghĩa trang trong khu vực chưa xác định được danh tính; hoặc có thể, nằm trong số hơn 300 ngàn đồng chí mà cho tới nay vẫn chưa tìm được hài cốt”.. Tuy vậy, mấy chục năm qua tôi vẫn canh cánh trong lòng, thắc thỏm đợi chờ… khi có một thông tin được phát trên đài phát thanh, truyền hình hoặc được in trên báo viết có liên quan tới vấn đề quy tập mộ liệt sĩ là tôi nôn nóng kiếm tìm để nghiên cứu, để lại đợi chờ và hy vọng…

Song, loạt thông tin được phát trên truyền hình, phát thanh và nhiều chục bài viết được in trên các báo trong những ngày vừa qua xung quanh vấn đề tìm mộ bằng phương pháp tâm linh của Nguyễn Thanh Thúy (còn gọi là “Cậu Thủy” ở Bắc Ninh) đã làm biến đổi cảm xúc trong tôi, từ thắc thỏm, đợi chờ, hy vọng… thành căm giận, đau buồn, oán trách và khinh bỉ.

Tôi căm giận bởi, một kẻ khoác áo tâm linh lại táng tận lương tâm, lừa đảo, giả mạo cả linh hồn liệt sĩ, những người đã cống hiến cả cuộc đời vì Tổ quốc, lừa đảo cả thân nhân của họ. Tôi đau buồn bởi những gia đình đồng cảnh ngộ. Chúng tôi đã mất người thân, nay lại mất tiền.

Hàng trăm triệu đồng một gia đình ở nông thôn tích góp cả đời dễ gì có nổi, phải bán đi một phần tài sản, trao cho kẻ lừa đảo để ôm về nỗi hoài nghi, day dứt; Tôi oán trách, khinh bỉ về sự ngu muội của một số người có trách nhiệm ở NHCSXH, một cơ quan Nhà nước lại vượt rào, vượt quy định của Nhà nước, bởi nhiệm vụ quy tập mộ liệt sĩ đâu phải trách nhiệm của họ.

Họ ôm tiền của Nhà nước, mồ hôi công sức của cán bộ dưới quyền, hào phóng trao cho kẻ lừa đảo làm điều thất đức, bất chấp sự can ngăn của cán bộ và lực lượng vũ trang ở 3 địa phương mà họ mò tới, mang danh thiện tâm, làm điều khuất tất.

2. Những thông tin trên báo chí xung quanh sự việc trên đã gây bức xúc trong mọi giai tầng xã hội. Là một thân nhân liệt sĩ, tôi xin mạn phép thay mặt những gia đình cùng cảnh ngộ (có người thân là liệt sĩ chưa tìm được hài cốt) cực lực lên án vụ lừa đảo hóa thành tội ác của Nguyễn Thanh Thúy - “Cậu Thủy” và xin kiến nghị với các cơ quan chức năng một số ý kiến sau:

- Đối với Nguyễn Thanh Thúy và vợ là Mẫn Thị Duyên, cần điều tra, xác minh và sớm đưa ra truy tố trước pháp luật nhằm ngăn chặn lòng tham dẫn tới thất nhân tâm của những kẻ đội lốt ngoại cảm, tâm linh đã và đang lừa đảo bao thân nhân Anh hùng liệt sĩ. Việc xử lý không thể chỉ tập trung vào số hơn 100 hài cốt đã quy tập ở 3 địa phương (Bình Phước, Đắc Lắc, Quảng Trị), mà phải điều tra làm rõ những vụ Thúy đã lừa đảo trước đó ở nhiều địa phương khác như: Bình Dương, Tây Ninh, Kon Tum…

Xin nêu 2 vụ vừa diễn ra vào đầu năm nay mà báo Sài Gòn giải phóng số ra ngày 06/11 đã nêu.

Vụ thứ nhất: Là gia đình liệt sĩ Nguyễn Trí Thuyết, quê ở Phú Thọ, hy sinh ngày 20/9/1969. Liệt sĩ Thuyết có cháu là Nguyễn Tiến Hoạt đang sinh sống và công tác tại thành phố Buôn Ma Thuột, nhận được thông báo của gia đình, đã nhanh chóng vượt chặng đường hàng ngàn cây số, đem theo lễ vật đầu tiên là 15 triệu đồng giao cho Thúy để tổ chức cúng tại nhà Thúy.

Hơn 1 tháng sau, Thúy thông báo cho gia đình rằng: “Hài cốt liệt sĩ Thuyết hiện ở xã Tân Cảnh, Đắc Tô, tỉnh Kon Tum. Gia đình khẩn trương tổ chức chuyển đi (cố nhiên có “cậu Thủy” đi cùng). Tới Đắc Tô, sau khi làm lễ cúng, thông qua hình thức “vong nhập”, Thúy tìm ra vị trí chôn cất liệt sĩ Thuyết. Xong việc, gia đình phải trả cho Thúy 100 triệu đồng tiền công và 15 triệu đồng tiền quà. Tổng số tiền giao cho Thúy là 130 triệu. Ấy là chưa kể chi phí cho cả chuyến đi và về - tiền thuê xe, tiền ăn, ở và những chi tiêu khác mà gia đình phải lo.

Vụ thứ hai: Là gia đình liệt sĩ Bùi Văn Đỗ, quê Thái Bình, hy sinh năm 1968. Liệt sĩ Đỗ có con trai là ông Bùi Văn Lý hiện đang sống ở TP Buôn Ma Thuột, cũng tìm ra Bắc Ninh nhờ Nguyễn Thanh Thúy giúp đỡ. Cũng làm đầy đủ các thủ tục: Đưa cho Thúy 15 triệu đồng để cúng thần thánh. Thúy thông báo sẽ tìm ra nơi chôn cất liệt sĩ Bùi Văn Đỗ vào dịp 30/4/2013. Đầu tháng 5, Thúy thông báo cho gia đình chuẩn bị lễ vật, tiền bạc để đi khai quật liệt sĩ Đỗ tại xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương.

Cũng với các màn cúng lễ, vong nhập… Thúy chỉ địa điểm. Khai quật xong, Thúy đòi gia đình trả ngay 100 triệu đồng tiền công. Tưởng thế là xong, một thời gian sau, Thúy điện cho gia đình ông Bùi Văn Lý phải gửi thêm cho Thúy 10 triệu đồng nữa, gọi là tiền quà. Lòng tham vô độ của kẻ khoác áo tâm linh “cậu Thủy” là thế đó.

Vấn đề thứ hai, tác giả bài viết này xin đề cập, đó là trách nhiệm của một số cán bộ, lãnh đạo Công đoàn, lãnh đạo các phòng, ban chức năng của NHCSXH và một số cán bộ cơ quan này được giao trách nhiệm phối hợp với “Nhà tâm linh Nguyễn Thanh Thúy” thực thi chương trình quy tập mộ liệt sĩ.

Có mấy điều được đặt ra ở đây:

- Việc quy tập mộ liệt sĩ thuộc chức năng của Bộ Quốc phòng đã được Nhà nước phân định, nếu các tổ chức, cá nhân khác tham gia cũng phải thận trọng và làm đúng quy định.

- Việc tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ, xác định danh tính liệt sĩ, đã có quy định dù bằng phương pháp nào (ngoại cảm hay tâm linh) đều phải tiến hành giám định ADN. Cớ sao ở đây họ không thực hiện?

- Thực chi cho mỗi hài cốt liệt sĩ được khai quật là bao nhiêu? Trừ số liệu công khai là Thúy được hưởng 75 triệu đồng trên 1 hài cốt. Vậy, toàn bộ chi phí phải là con số lớn hơn. Có thông tin nói rằng chi phí khoảng 300 triệu đồng cho một bộ hài cốt (kể cả tiền công cho Thúy). Ông Nguyễn Hoàng Phương, Phó Chủ tịch Ban chấp hành Công đoàn NHCSXH đã trả lời phóng viên báo Tuổi trẻ rằng “Thông tin không chính xác. Tất cả đều đồn đoán. Tôi không thể nói con số chi phí nhưng chắc chắn không đến con số đó”.

- Trong hơn 100 gọi là hài cốt liệt sĩ do Thúy tìm ra, chưa nói tới biết bao điều vô lý, giả tạo đã quá rõ ràng mà báo chí đã chỉ ra, chỉ xin nêu một chi tiết về thanh toán tiền công cho Thúy. Riêng ở tỉnh Đắc Lắc, qua 2 đợt quy tập được 73 bộ hài cốt. Cố nhiên số tiền phải được nhân với 75 triệu đồng/bộ. Ở tỉnh Bình Phước, với 3 hố đào trong một khu vực gần nhau, Thúy tìm được 15 bộ. Trong đó có 2 hố chôn tập thể (có 13 hài cốt), nhưng diện tích khai quật quá nhỏ (chỉ 1,5 x 1m). Cố nhiên số tiền chi cho Thúy ở 2 hố đào đó vẫn phải là 75 triệu nhân với 13 bộ. Quả là người chi quá chủ quan mà kẻ nhận tiền là đứa tột đỉnh tham lam, “ăn bẩn”. Cứ cho rằng Thúy có khả năng tâm linh, ngoại cảm thực, thì năng lực sinh học phát ra để xác định 2 hố chôn tập thể kia chỉ tính là 2, cớ sao lại tính là 13?.

Thử hỏi, những cán bộ đức độ, có năng lực trình độ quản lý tài chính, ngân hàng mới được cất nhắc đưa về đây, vậy mà, qua vụ “cậu Thủy ma giáo” này đã bộc lộ ở họå về tinh thần trách nhiệm, về tính thận trọng, về chấp hành quy định của Nhà nước, về quản lý kinh tế… Giữa thời buổi tham ô, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đang trở thành quốc nạn. Việc “hỏa hồng, lại quả” như là chuyện tất yếu. Việc thiên thẹo trong quyết toán thực mua so với thực chi chênh lệch nhau cả ngàn lần ở Công ty cho thuê tài chính II thuộc Agribank thì lời giải thích của ông Phó chủ tịch Công đoàn Nguyễn Hoàng Phương rằng “NHCSXH tham gia việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ hoàn toàn từ cái tâm của mình, không có chuyện tư túi hay quan hệ cá nhân với ông Nguyễn Thanh Thúy…” thì người đọc có quyền đặt câu hỏi không?

Vụ việc “động trời” trên, mong được các “Bao Thanh Thiên” công minh xem xét. Đó là hành động thiết thực góp phần củng cố xây dựng Đảng, chống tham ô, tham nhũng, tiêu cực và lãng phí theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng
 

 Văn Đức – C.Xuân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn để lại nhận xét cho bài viết:

THÔNG TIN LIÊN HỆ: (Mời bạn viết nội dung cần liên hệ với chúng tôi rồi bấm vào "Gửi", bạn có thể viết trên "Word" rồi paste(Ctrl V) vào ô "nội dung")
Tên bạn (hoặc nickname): *
Địa chỉ Email : *
Tiêu đề : *
Nội dung :
Mã xác nhận: *
(Để chúng tôi nhận được thư của bạn, những mục đánh dấu sao (*) xin bạn vui lòng điền đầy đủ)
Số người đang xem trang báo này