Từ chính sách dồn điền
đổi thửa (DĐĐT), rất nhiều thôn ở xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong (Bắc Ninh) đã
lợi dụng bán hàng trăm suất đất nông nghiệp trái thẩm quyền rồi chi tiêu phung
phí khiến bà con nhân dân vô cùng bất bình.
BÁN TRÀN LAN
Sau khi nhận được đơn
tố cáo của người dân thôn Phù Yên, xã Dũng Liệt về việc một số cán bộ địa
phương móc nối, bao che bán hàng chục lô đất nông nghiệp, chi tiêu thiếu minh
bạch, chúng tôi đã vào cuộc tìm hiểu và phát hiện sự thật còn hơn cả những
gì người dân tố cáo. Không chỉ thôn Phù Yên mà hầu hết các thôn khác trong xã
Dũng Liệt đều bán đất nông nghiệp trái thẩm quyền lên tới cả trăm lô.
Chuyện bắt đầu khi
tỉnh Bắc Ninh có chủ trương DĐĐT xây dựng nông thôn mới (NTM). Theo đó, kinh
phí Nhà nước hỗ trợ công tác DĐĐT cho thôn Phù Yên xấp xỉ 300 triệu đồng, trong
khi dự toán cho công tác DĐĐT của thôn lên tới gần 5,5 tỉ đồng.
Đứng trước khó khăn về
nguồn vốn, UBND xã Dũng Liệt chấp thuận cho thôn Phù Yên bán đấu giá quyền sử
dụng đất khu cánh đồng Buôi để lấy kinh phí. Đúng quy trình, thôn Phù Yên và xã
Dũng Liệt phải làm đầy đủ thủ tục đề xuất lên huyện và tỉnh, sau khi được cấp
trên chấp thuận mới cho tiến hành bán đấu giá đất công khai.
Người dân tố cáo ngõ nhà ông Tiến dài chưa đầy 20m được BQL thôn Phù Yên
bôi ra 6 hạng mục để chi thiếu minh bạch gần 100 triệu đồng
Hỏi lãnh đạo xã Dũng
Liệt có biết việc thôn Phù Yên bán trái thẩm quyền hay không, ông Dương Văn
Hùng - Chủ tịch UBND xã thừa nhận có biết, nhưng biện hộ là khi phát hiện xã đã
lập đoàn thanh tra đình chỉ và yêu cầu thôn Phù Yên không được bán đất, nhưng
thôn vẫn dấm dúi bán trộm và chi tiêu không thông qua địa phương.
Tuy nhiên,
khi chúng tôi trao đổi với ông Đặng Văn Chi (hiện đã thôi chức
trưởng thôn), người chịu trách nhiệm chính trong việc bán 33 lô đất đồng Buôi,
ông lập tức phản bác lại việc “quy trách nhiệm” của lãnh đạo xã cho BQL thôn.
Ông Chi đưa ra bằng chứng việc UBND xã Dũng Liệt đồng ý bán đấu giá đất là tờ
giấy viết tay có chữ ký và con dấu của chính ông Dương Văn Hùng đồng ý cho thôn
Phù Yên bán đấu giá đất.
Chuyện BQL thôn Phù
Yên bán đất khu đồng Buôi trái thẩm quyền đã rõ như ban ngày. Câu chuyện rắc
rối ở đây là dù phát hiện thôn bán đất trái thẩm quyền, nhưng UBND xã Dũng Liệt
không tiến hành thu hồi mà còn cử kế toán của xã ra Ngân hàng NN- PTNT của
huyện để nhận 2 tỉ đồng từ tài khoản của BQL thôn Phù Yên về chi trả cho công
tác đắp bờ vùng bờ thửa để DĐĐT. Đây là hành vi tiếp tay cho việc làm sai trái
của thôn.
Khi chúng tôi chất vấn
việc này, ông Hùng lúng túng rồi cuối cùng đổ do tại địa phương thiếu kinh phí
DĐĐT quá không biết lấy từ đâu!
NHỮNG KHOẢN THU CHI
KHÓ HIỂU
Tạm gác lại chuyện
lãnh đạo thôn Phù Yên bán trái thẩm quyền 33 lô đất cánh đồng Buôi, chúng tôi
xin được tập trung vào một vấn đề mà người dân thôn Phù Yên đang vô cùng bức
xúc đó là kế hoạch và chứng từ chi tiêu có một không hai của BQL thôn sau khi
có khoản tiền hàng tỉ đồng từ bán đất.
Theo kết quả kiểm tra
công tác quản lí tài chính, quản lí và sử dụng đất đai đối với BQL thôn Phù Yên
nhiệm kỳ 2011-2013 của UBND xã Dũng Liệt thì tổng thu tất cả các khoản của thôn
lên tới trên 5,8 tỉ đồng và tổng chi là xấp xỉ 5,5 tỉ đồng. Trong đó, việc chi
tiêu lãng phí, thiếu minh bạch tập trung chủ yếu ở công tác DĐĐT.
Chúng tôi xin được nêu
một trong số hàng chục hạng mục chi tiêu của thôn Phù Yên mà chỉ cần xem đã
thấy mờ ám như: Chi mở ngõ ông Tiến ra đường khu giãn dân (20.460.000 đ); Chi
công đắp bờ quanh ao ông Tiến (10.264.000 đ); Chi chở cát tân đường ngõ ông
Tiến (14.900.000 đ); Chi công cắt đất đắp bờ ngõ ông Tiến (2.412.000 đ); Chi
chở đất đắp đường ngõ ông Tiến (6.461.00 đ); Chi công kè gạch, máy nước khu bờ
vực và bờ đường ngõ ông Tiến (26.049.000 đ).
Không chỉ ngõ nhà ông
Tiến mà hầu hết các hạng mục xây dựng khác đều được BQL thôn Phù Yên liệt kê
chi tiêu theo kiểu tương tự, thậm chí BQL thôn còn chi tiền 2 lần cho một công
việc. Nhiều khoản chi không có dự toán, không có hồ sơ, sổ sách hay giấy tờ
chứng minh.
Nhưng đáng buồn nhất
là trong quá trình DĐĐT xây dựng NTM, cán bộ, lãnh đạo thôn Phù Yên và xã Dũng
Liệt không vận động được người dân hiến lấy 1m2 đất hay một ngày công lao động,
tất cả đều lấy tiền bán đất trái thẩm quyền chi tiêu bạt mạng.
Trao đổi với chúng
tôi, ông Ngô Văn Sanh, thôn Phù Yên lo lắng, 2 người con trai của ông do không
biết nên đã mua 2 lô đất của thôn đợt vừa qua nhưng giờ không biết quyền lợi và
tính hợp pháp của mình như thế nào. Tiền thì giờ thôn đã tiêu hết không đòi lại
được trong khi để xây nhà trên thửa đất không đủ pháp lí là không thể.
Vừa qua, địa phương yêu cầu các hộ dân mua những diện tích
đất tương tự phải kê khai nên giờ gia đình ông Sanh và hàng trăm hộ dân khác
hoang mang, lo lắng không biết lối nào mà lần. Tình trạng các thôn tự ý bán đất
trái thẩm quyền ở xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong đã bộc lộ rất nhiều hệ lụy khi
“bệnh thành tích” kết hợp với việc thờ ơ buông lỏng quản lí tại địa phương.
+ Trước khi chia tay chúng tôi, Chủ tịch
UBND xã Dũng Liệt Dương Văn Hùng một mực khẳng định đã báo cáo sự việc các
thôn bán đất trái thẩm quyền lên huyện Yên Phong và được huyện chỉ đạo xử lí,
nhưng khi chúng tôi xin được xem văn bản thì ông Hùng không cho với lí do cán
bộ văn phòng đi vắng.
Chúng tôi tiếp tục liên hệ với ông Nguyễn Văn Bang - Chủ tịch UBND huyện Yên Phong để làm rõ vai trò, trách nhiệm của huyện trong việc để các xã bán đất nông nghiệp trái thẩm quyền tràn lan thì ông Chủ tịch huyện liền “chuyền bóng” cho Trưởng phòng Nông nghiệp.
+ Khi chúng tôi hỏi ngoài thôn Phù Yên ra có
thôn nào trong xã bán đất trái thẩm quyền tương tự hay không, ông Dương Văn
Hùng - Chủ tịch UBND xã Dũng Liệt thản nhiên nói việc bán đất trái thẩm
quyền là rất bình thường và phổ biến ở Bắc Ninh.
“Theo thống kê từ năm 2010 đến nay, các thôn trong xã Dũng Liệt đã bán trái thẩm quyền 100 lô đất nông nghiệp, trong đó, thôn Phù Yên bán 33 lô, thôn Lạc Trung 46 lô, thôn Phù Cầu 14 lô và thôn Chân Lạc 7 lô". |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Mời bạn để lại nhận xét cho bài viết: