Trang

16 thg 4, 2010

DI TÍCH LỊCH SỬ PHÒNG TUYẾN SÔNG NHƯ NGUYỆT CƠ BẢN ĐÃ BỊ PHÁ HỦY...

.
Gần trọn 10 thế kỷ đi qua, phòng tuyến sông Như Nguyệt đã trở thành huyền thoại, như một minh chứng chói lọi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc! Tưởng chừng như sống mãi với thời gian, thế nhưng...
Dòng sông hùng vĩ ấy, cả những chứng tích lịch sử hào hùng kia, đang đứng trước nguy cơ bị tàn phá dưới bàn tay con người. “Sa tặc”, các chủ lò gạch, và sự vô tình của con người nơi đây đang từng ngày, từng giờ giết chết những di tích lịch sử trên “phòng tuyến sông Như Nguyệt” năm nào.

“Cuộc chiến” trên phòng tuyến Như Nguyệt

Quần thể di tích Phòng tuyến sông Như Nguyệt chạy qua 2 xã của huyện Yên Phong là Tam Đa và Tam Giang, có tổng chiều dài hơn 10km dọc đê sông Cầu. Ven theo triền đê, đồng thời cũng là phòng tuyến sông oanh liệt ấy, những di tích liên quan đến trận chiến lịch sử năm nào đã được Bộ Văn hoá – Thông tin, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia, bao gồm hệ thống các đền, chùa, các trại tập trung quân, các kho hậu cần, lương vận... phục vụ cho trận chiến. Chỉ riêng xã Tam Đa (Yên Phong - Bắc Ninh), trên 2km đê đã có hàng loạt điểm được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử.
Nhưng thật buồn khi chúng tôi tìm đến những điểm di tích này. Không dễ để có thể nhận thấy những di tích ấy đang hiện hữu tại nơi đây, bởi những các lò gạch ngày đêm nhả khói mù mịt, gạch vữa băm nát, che khuất cả một đoạn đê dài. Người ta đào bới chính nguồn đất thuộc phòng tuyến xưa kia làm chất liệu để sản xuất. Gần ba chục lò gạch hoạt động ngày đêm, nên toàn thể khu di tích đã tan tành, giống như trận địa của một cuộc giao tranh mới xảy ra.
Nạn hút cát trái phép cũng là những nguyên nhân không nhỏ khiến cho toàn bộ khu di tích này bị xuống cấp trầm trọng. Ông Hoàng Đình Chú, người dân xã Tam Đa cho biết, “sa tặc” còn ngang nhiên chống lại cả lực lượng của xã, thậm chí chúng manh động đánh lật cả thuyền của lực lượng xã khi truy cản. Khi chính quyền địa phương làm căng thì chúng hoạt động về ban đêm.

Image Hosted by ImageShack.us

Phòng tuyến bị lò gạch lấn chiếm.
Ông Chú cho biết thêm, hiện tại những di vật thuộc về trận đánh giữa đạo quân của Lý Thường Kiệt với giặc Tống xưa kia còn nằm lại rất nhiều dưới đáy sông. Chuyện những “sa tặc” hút cát, thường xuyên hút lên những mũi tên đồng, lá chắn, thậm chí là cả những thanh gươm đồng rồi đem đi bán đồng nát đã thành lệ như cơm bữa.
Chính quyền xã đã “chuộc” được rất nhiều những mũi tên đồng và cả những cây giáo còn nguyên hình, chưa bị mục nát vì bị chôn sâu dưới lòng sông qua hàng chục mét cát. “Không xuể đâu, dân họ bán đổ bán tháo đi nhiều lắm, thấy những chứng tích thuộc về nơi này bị nấu chảy rồi đem đi nơi khác mà xót xa, tiếc lắm nhưng không làm gì được”, ông Chú nói.

Các di tích bị mai một

Hơn 900 năm đã trôi qua, dòng Như Nguyệt xưa đã dần thu hẹp dòng chảy nhưng không thể đổi dòng, tuy nhiên do sự vô tâm của con người mà dấu tích đền Can Vang, bãi Miễu, đền Phấn Động, nơi diễn ra trận phản công dữ dội của quân binh nhà Lý chống trả trận tập kích vượt sông của quân Tống, nhiều trại đóng quân lớn được vua tôi nhà Lý thiết lập, trại Chĩnh, trại Chùa, trại Quýt, kho gạo ở dốc Gạo, kho tiền ở dốc Bạc, đền Can Vang hiện đang dần biến mất và đứng trước nguy cơ chỉ còn trong chuyện kể của người dân địa phương.
Đền Can Vang- bãi Miễu Thọ Đức, một trong những điểm quan trọng của phòng tuyến sông Như Nguyệt năm nào – thuộc thôn Thọ Đức (xã Tam Đa, Yên Phong, Bắc Ninh). Theo sử sách, cánh quân tại đền có nhiệm vụ chặn mũi tiến quân của giặc từ phía núi Tiêu Lát tràn sang và làm nhiệm vụ ứng cứu cho 2 cánh quân ở khu vực Như Nguyệt và Thị Cầu. Xưa, bãi Miễu Thọ Đức nguyên là một doi đất cao và nằm ở phần trong đê (phía khu dân cư).
Trận lụt cách đây vài chục năm đã phá vỡ tuyến đê cũ. Chính quyền địa phương phải đắp con đê mới, thành ra, bãi Miễu Thọ Đức lại nằm ở phần ngoài đê (tiếp giáp với sông Cầu). Tuy nhiên, vô tình con người đã tiếp tay cho thiên nhiên đẩy bãi Miễu tiếp giáp với sông. Từ bãi Miễu ra đến bờ sông Cầu là một bãi bồi mênh mông, nhưng không ai dám chắc bãi Miễu sẽ trường tồn khi mà nạn khai thác cát trộm cứ làm lòng sông bào mòn dần về phía chân đê.
Đến với đền Can Vang- bãi Miễu, thật buồn khi nơi này bây giờ là một... ốc đảo lẩn khuất sau những bãi cỏ dại um tùm. Muốn vào đền phải vượt qua trận đồ lò gạch giữa nham nhở gạch rơi gạch vụn, những khói than, khói bụi. Một loạt lò gạch đã bao vây, cô lập bãi Miễu với khu dân cư và đứng trước nguy cơ bị xâm hại!
Làm chủ nhang ở đền Can Vang này bao nhiêu năm nay, ông Nguyễn Văn Tú không khỏi băn khoăn: “Lò gạch thì bao vây đường vào, đền thì xập xệ xuống cấp, nạn trộm cát làm cho bờ sông bị lở ăn vào cả phía chân đền”. Mặt trước của bãi Miễu là sông Cầu án ngữ. Đoạn sông trước Miễu là đoạn ngắn nhất, nhưng sâu nhất của sông Cầu, và cũng là điểm trọng yếu của trận tuyến ngày xưa. Bên kia sông là xã Tiên Sơn (huyện Việt Yên, Bắc Giang).

Tương truyền, đỉnh núi sừng sững trước mặt (có tên gọi núi Tiêu Lát), là nơi giặc Tống chiếm đóng. Chúng đã tìm ra được đoạn sông hẹp nhất bắc cầu phao sang hòng đánh úp trại lính của nhà Lý tại Thị Cầu và Như Nguyệt (chạy thẳng theo đường đê chừng hơn cây số). Chỗ giặc Tống chọn xây cầu phao, có một tảng đá to như cái nhà 5 gian. Hai năm trước, một tàu cát đi qua va phải tảng đá ngầm, bị đắm. Người ta cho mìn, bộc phá xuống đánh tan tảng đá, lấy dòng thủy lưu cho tàu thuyền. “Tiếc lắm, tiếc lắm!” - ông Tú nói với vẻ đầy luyến tiếc - “Tảng đá ấy có tên gọi đá Can Vang. Nơi chứng kiến cuộc giao tranh gữa quân ta và quân Tống. Đáng lẽ ra nó phải được gìn giữ chứ không phải vì một chiếc tàu ăn hàng đâm phải, mà nó bị phá tan hoang như thế? Ở trong đền còn lưu giữ thanh bảo kiếm và một số vũ khí bằng đồng được “sa tặc” vớt lên mà ban quản lý đền xin lại”.

Chếch đền Can Vang chưa đầy 1km, di tích lịch sử đền Phấn Động (thôn Phấn Động – xã Tam Đa) lại chịu một số phận khác. Di tích này cũng được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử quốc gia năm 1980, lại bị người dân xâm lấn biến thành đất dân sinh một cách thản nhiên. Tuy đền Phấn Động thoát khỏi nạn bao vây của lò gạch nhưng quỹ đất của di tích này cũng bị co lại khá nhiều.

Đền Phấn Động nằm lọt thỏm giữa xung quanh các hộ dân, chỉ chừa lại con đường dẫn xuống khu di tích được xây thành bậc cấp và mặt trái của đền tiếp giáp với sông Cầu. Những hộ dân này, nguyên là các hộ được chuyển xuống theo kế hoạch di dân khi xã xây dựng hệ thống thủy lợi từ năm 1998. Chuyện người ta làm gạch, chiếm dụng và băm nát đất đê, đền Phấn Động làm đất thổ cư. Đau đầu nhất, là cái “vấn nạn sa tặc” lù lù giữa sông. Ngoài ấy, giữa lòng sông Cầu mênh mông, có những chiếc thuyền cắm giữa lòng, cặm cụi như đang ngủ... Đấy là những chiếc thuyền “sa tặc” tàn phá dòng sông, và há mồm muốn nuốt chửng các di tích của Phòng tuyến sông Như Nguyệt!...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn để lại nhận xét cho bài viết: